Tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Trong những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi (ASF) tiếp tục bùng phát ở nhiều địa phương và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người chăn nuôi và các cơ quan quản lý đang quyết liệt thực hiện khoanh vùng, ngăn dịch lây lan.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai lại phát hiện thêm hai ổ dịch ASF tại xã Tân An và xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Cụ thể, đàn lợn gồm 800 con của một hộ chăn nuôi ở xã Tân An và đàn lợn hơn 200 con của một hộ chăn nuôi tại xã Vĩnh Tân bị chết. Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, kết quả hai đàn lợn bị dương tính với dịch ASF. Đến nay, Đồng Nai đã có 7 xã thuộc 3 huyện xẩy ra dịch ASF với gần 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay sau khi phát hiện hai ổ dịch ASF mới, các cơ quan chức năng cùng người dân đã tiêu hủy số lợn bị dịch bệnh, tổ chức phun thuốc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống dịch để tránh dịch bệnh lây lan.

Liên quan đến dịch ASF, ngày 18/5, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai cùng với các cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy hơn 4 tấn thịt lợn dương tính với dịch ASF của bà Nguyễn Thị Thảo, ngụ tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, được trữ trong 16 tủ đông, 1 thùng xốp ở kho lạnh. Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai hiện đang quyết liệt thực hiện công tác phòng chống dịch ASF, tăng cường kiểm tra các lò mổ, tuyến đường vận chuyển động vật, xử lý nghiêm những người vi phạm.

Lợn bị dịch ASF đã được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiêu hủy

Tại khu vực miền Trung và miền Nam, dịch ASF tiếp tục được phát hiện và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan chức năng vừa phát hiện 55 con lợn của ông Đặng Văn Đoàn, ngụ tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên bị dịch ASF tấn công và đã được tiêu hủy. Ngày 18/5, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện thêm 2 ổ dịch ASF tại xã Hương Vinh và phường Hương An, thị xã Hương Trà. Đến nay, thị xã Hương Trà đã xuất hiện 5 ổ dịch ASF và 2 ổ dịch ASF xẩy ra tại địa bàn huyện Phong Điền đã được khống chế. Để phòng chống dịch ASF, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thừa Thiên - Huế đã phân bổ 10.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng do Trung ương hỗ trợ cho các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông, TP. Huế và thị xã Hương Trà. Các cơ quan chức năng còn tổ chức phát tờ rơi về cách phòng ngừa, biểu hiện bệnh dịch kèm số điện thoại của cơ quan chức năng để cùng hợp tác phòng chống dịch hiệu quả.

Tại tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 20 con lợn của 6 hộ dân tại xã Duy Hải và xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên dương tính với dịch ASF và đã được tiêu hủy. Ngoài tổ chức phun thuốc khử trùng, khoanh vùng ổ dịch, cơ quan chức năng huyện Duy Xuyên đã thành lập 4 tổ chốt chặn tại 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa để kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh nhằm tránh lây lan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, dịch ASF đã xuất hiện tại 34 tỉnh thành, 1,5 triệu con lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy, chiếm 5% tổng đàn lợn của ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, từ khi dịch ASF xuất hiện ở nước ta, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý dịch bệnh. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh chưa được khống chế, khả năng lan rộng bệnh dịch còn tiềm ẩn, diễn biến còn phức tạp. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch bệnh ASF sẽ tiếp tục lây lan, có thể tới toàn bộ địa bàn, thậm chí những nơi đã hết dịch sau 30 ngày dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại.

Để dịch ASF không phát sinh và quay trở lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, người chăn nuôi, người tiêu dùng dồn lực để phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các giải pháp buộc phải thực thi là khoanh vùng kiểm soát chặt những ổ dịch; kiểm soát chặt khâu vận chuyển động vật, nhất là lợn và thịt lợn; kiểm soát chặt khâu giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ lậu; không kinh doanh, sử dụng thịt lợn và phụ phẩm lợn dịch bệnh. Cùng với phòng chống dịch, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất, kinh doanh thịt lợn sạch và tuyên truyền đến người dân để không ai quay lưng với thịt lợn sạch, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.

Mặc dù dịch ASF còn diễn biến khó lường nhưng người tiêu dùng hiện không quay lưng với thịt lợn, nhất là thịt lợn sạch. Tại TP. Hồ Chí Minh, thịt lợn an toàn vẫn là “mặt hàng bán chạy” tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Đại diện Saigon Co.op cho biết, 100% các điểm bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước đều đang kinh doanh thịt lợn an toàn. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện đang duy trì mức tiêu thụ 40-50 tấn/ngày, tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, nguồn thịt lợn kinh doanh tại siêu thị của Saigon Co.op trên cả nước đều đạt chuẩn VietGAP, chủ yếu nhập từ các đầu mối uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… “Để người tiêu dùng yên tâm, Saigon Co.op đã tiến hành niêm yết các chứng nhận kiểm dịch tại các điểm bán trên cả nước và đang phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý chất lượng thịt lợn. Đồng thời phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng, sẵn sàng can thiệp bình ổn thị trường khi nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh”, ông Kiên chia sẻ thêm.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-trung-moi-nguon-luc-de-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-119963.html