Tạo thuận lợi nhất cho nông, thủy sản xuất khẩu

Bên cạnh việc cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, cơ quan Hải quan đã chủ động chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các lô hàng nông, thủy sản XK được thông quan thuận lợi nhất, nhanh nhất đáp ứng được yêu cầu đối với những mặt hàng cần bảo quản đặc thù.

Công chức Cục Hải quan Lào Cai làm thủ tục cho hàng thanh long xuất khẩu Ảnh: T.BÌNH

Ưu tiên xuất khẩu

Là mặt hàng XK đặc thù, cần sự bảo quản đặc biệt, các lô hàng nông, thủy sản luôn được cơ quan Hải quan tạo điều kiện thông quan thuận lợi.

Ông Đặng Phú Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, trái cây Việt Nam XK đi các nước, nhất là Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn do phải kiểm soát dịch bệnh Covid -19 gây ách tắc trong khâu thông quan. Trước tình thế này, Hải quan Việt Nam ở các cửa khẩu đường bộ áp dụng ưu tiên thông quan cho các loại trái cây dễ hư hỏng, khó XK bằng đường biển như xoài, nhãn, trái vải tươi..., thực sự là một cách tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK trái cây, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn Hải quan ở các cửa khẩu cảng biển và sân bay cũng nên ưu tiên phân công bộ phận cán bộ làm các thủ tục giấy tờ, kiểm hóa nhanh chóng các lô hàng trái cây XK giúp DN hoàn thành sớm các thủ tục hải quan để hàng hóa lên đường sớm, đảm bảo chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng nước ngoài.

Đặc biệt, nhiều vướng mắc về chuyên ngành phát sinh từ các lô hàng XK nông, thủy sản đã được cơ quan Hải quan chủ động hỗ trợ tháo gỡ kịp thời cho DN. Mới đây, vào tháng 4/2020, trước vướng mắc của DN liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản XK, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương hỗ trợ kịp thời cho DN. Ngay sau đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thay mặt các DN thủy sản đã gửi thư cảm ơn tới lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Các DN cho biết, việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nêu trên của Tổng cục Hải quan đã giúp các DN giảm bớt việc phải thực hiện một quy định vô cùng phức tạp, nhiêu khê, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc đối với hàng XK, tạo điều kiện để DN có thể thông quan các lô hàng XK trong bối cảnh đang chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm XK trên 1 tỷ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… XK nông sản không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.

Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 27,7 tỷ USD; trong đó, XK đạt gần 15,5 tỷ USD; giá trị xuất siêu đạt gần 3,3 tỷ USD. Một số mặt hàng giá trị XK tăng như: Cà phê đạt 1,36 tỷ USD (tăng 2,2%); gạo đạt 1,4 tỷ USD (tăng 18,9%); rau đạt 310 triệu USD (tăng 17,5%); quế đạt 66 triệu USD (tăng 16,6%); mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD (tăng 4,7%); lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD.

Cả năm 2020, ngành nông nghiệp đặt các chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9-3,05%; kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trên 41 tỷ USD; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp.

Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Đến hết tháng 5/2020, kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do khách quan là ngay từ đầu năm, XK nông sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu. Nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các DN nông sản Việt Nam. Trước tình hình trên, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định 1616/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan; Chủ động, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tổ chức, cá nhân trong quá trình làm thủ tục hải quan trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ, các DN thủy sản đánh giá rất cao công tác cải tiến thủ tục của cơ quan Hải quan không chỉ trong thời gian gần đây mà sự cải tiến này rõ rệt trong vài năm nay. Sự tham gia hỗ trợ của cơ quan Hải quan trong XK hàng hóa của DN rất kịp thời và thuận lợi. Đặc biệt, cơ cơ quan Hải quan luôn cầu thị, lắng nghe những khó khăn của DN, cũng như giải quyết những sự việc xảy ra trong những thời điểm nhất định. Hoạt động của cơ quan Hải quan trong thời gian qua có thể nói đã cải tiến rất nhiều, hội nhập với thế giới, đảm bảo tạo thuận lợi cho XK hàng hóa của DN, góp phần nâng cao giá trị XK hàng hóa của DN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, các tỉnh, thành, các hiệp hội DN hoa quả, nông sản, thủy hải sản có hàng hóa xuất khẩu cần chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản, thủy hải sản theo kế hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN, thương nhân. Việc sản xuất hoa quả, nông sản, thủy hải sản cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Đồng thời chủ động các biện pháp tiêu thụ nông thủy sản tại thị trường nội địa cũng như tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường khác trên thế giới, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất.

Các đơn vị cần có sự phối hợp điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên các cửa khẩu để tránh ùn tắc, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa. Đồng thời thông báo tới các thương nhân chủ động phân loại, đóng gói, bao bì; phân định rõ chất lượng, chủng loại nông sản phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT:

Các nhà máy chế biến cần tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ. Cùng với đó, các tổ chức chứng nhận cần giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Hiện Việt Nam đang thiếu các nghiên cứu và dự báo có chiều sâu, và toàn diện về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm cũng như về các đối thủ cạnh tranh với hàng Việt Nam tại các thị trường đó. Điều này ảnh hưởng đến định hướng trồng trọt sản xuất của nông dân và xây dựng các kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ của các địa phương có đất trồng trái cây. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thích hợp khuyến khích, tập hợp các nông dân nhỏ lẻ tham gia các hình thức sản xuất tập thể như các hợp tác xã, hội quán, nông trại… tăng tích tụ đất sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng trồng cây tập trung lớn có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu tiết kiệm khoa học, kỹ thuật mới, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap toàn diện. Từ đó mới có thể tạo ra sản phẩm ngon, an toàn đạt chuẩn chất lượng giúp DN có đủ nguyên liệu mở rộng được thị trường xuất khẩu nâng cao hơn nữa uy tín hàng nông sản Việt.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu:

Thời gian qua, Chánh Thu đã đạt được những thành công nhất định tại thị trường Mỹ đối với các sản phẩm chủ lực là nhãn, xoài. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng thêm các sản phẩm mới như sầu riêng cấp đông, đông lạnh trái, nguyên trái và tách múi. Để đạt được thành công tại thị trường Mỹ, Chánh Thu đã xây dựng kế hoạch kết nối với nhiều vùng trồng tại các tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bắc Giang... Ngoài ra, hiện điểm yếu lớn nhất của sản phẩm trái cây Việt Nam khi ra thị trường quốc tế chính là công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Do đó, Chánh Thu đã liên kết chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật về quản lý vùng trồng của mình, đồng thời kết hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch để có những nghiên cứu về bảo quản sau thu hoạch đối với từng loại trái cây tươi, nhằm đưa trái cây đi được bằng đường biển, giúp giảm chi phí vận chuyển.

Mới đây nhất, Chánh Thu đã đưa thành công trái vải của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và đã đạt được những thành công bước đầu.

Nguyễn Hiền (ghi)

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tao-thuan-loi-nhat-cho-nong-thuy-san-xuat-khau-128940-128940.html