Tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Thời gian qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt; ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Đây là một trong những thời cơ thuận lợi để Việt Nam vượt qua những thách thức đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, đó là "tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường", cũng như trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Cùng với xu thế tất yếu của hội nhập, giao lưu quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về lượng và chất, đa dạng về thành phần. Số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu... ngày càng tăng. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, làm ăn ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng ngày càng tăng và được học tập, đào tạo tại các cơ sở giáo dục sở tại, có trình độ và tay nghề tốt. Đây chính là nguồn lực quý báu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan trong và ngoài nước, việc triển khai chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Tiếp tục quán triệt, nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương bằng các kiến nghị chính sách cụ thể: Các điều kiện nhập tịch, trở lại quốc tịch theo hướng thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài; tham gia các đề án, đề tài nghiên cứu hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, củng cố địa vị pháp lý; chế độ chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài có công; hỗ trợ duy trì tiếng Việt trong cộng đồng…

Về mặt kinh tế, thời gian qua, ngày càng nhiều kiều bào về nước đầu tư kinh doanh. Tính đến hiện tại, có gần 3.000 dự án với tổng số vốn gần 4 tỷ USD được đầu tư ở 45 tỉnh, thành phố, mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo việc làm cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Bên cạnh đó, lượng kiều hối cũng có xu hướng gia tăng. Trong hai năm (2016 và 2017), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về đạt tổng cộng khoảng 25 tỷ USD. Đặc biệt, khoảng 60% kiều hối gửi về được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điểm mới của công tác người Việt Nam ở nước ngoài là đã hòa cùng nhịp thở của thời đại, đặt trọng tâm vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trỗi dậy. Đáng chú ý, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng tới nhóm kiều bào trẻ-những người được đào tạo, năng động và sáng tạo. Hiện có khoảng 130.000 sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước ngoài, là nguồn nhân lực quý báu trong tương lai. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: Năm 2017, Bộ Ngoại giao đã cùng các cơ quan trong nước, phối hợp với Nhóm chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE), Nhóm sáng kiến Việt lần đầu tiên tổ chức “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tại San Francisco và New York. Tiếp nối thành công của sự kiện này, đầu năm 2018, “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” được tổ chức thành công tại TP Hồ Chí Minh. “Đây là cơ hội rất tốt nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với trong nước, kết nối với giới khởi nghiệp trẻ và các cơ quan quản lý ở trong nước, từ đó tạo sự hài hòa, thấu hiểu lẫn nhau”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt được những thành tựu trên không thể không kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có vai trò “cầu nối” của các đại sứ. Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Đoàn Xuân Hưng: Cộng đồng người Việt Nam tại Đức có khoảng 170.000 người. Những năm qua, Đại sứ quán đã hỗ trợ cộng đồng nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt; đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao tổ chức các sự kiện văn hóa với sự chung tay của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Cụ thể, từ tháng 10-2016 đến tháng 1-2018, Đại sứ quán đã phối hợp tổ chức 3 cuộc triển lãm mang tên “Báu vật khảo cổ Việt Nam”, thu hút rất nhiều lượt khách quốc tế, người dân Đức đến tham quan. Nhằm vun đắp tình yêu quê hương, biển đảo, hằng năm, Đại sứ quán đều cử đoàn đại diện kiều bào về thăm Trường Sa theo chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức hội thảo, buổi giới thiệu về biển đảo quê hương, về tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam. “Kiều bào ở Đức thăm Trường Sa trở về đều thấy thêm tự hào và yêu quê hương. Họ trở thành diễn giả chia sẻ với cộng đồng người Việt, những người bạn Đức về tình yêu quê hương, biển đảo đất nước”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết thêm.

Ngoài Đức, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cũng là một trong số ít cộng đồng tại châu Âu phát triển mạnh. Theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ông Vũ Đăng Dũng: Công tác cộng đồng luôn là một trọng tâm trong các nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan. Tại quốc gia Đông Âu này có rất nhiều hội đoàn người Việt. Tuy nhiên, lãnh đạo của các hội đoàn đều là những thế hệ cao tuổi. Do đó, một trong những nhiệm vụ sắp tới của cộng đồng người Việt Nam cũng như cơ quan đại diện là phải huy động được sự tham gia của thế hệ trẻ vào các tổ chức, hội đoàn tại Ba Lan. “Nếu làm được việc này thì sức mạnh của cộng đồng Việt thông qua các hội đoàn sẽ ngày càng gia tăng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và phát triển bản sắc Việt ở Ba Lan”, Đại sứ Vũ Đăng Dũng khẳng định.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng cũng cho rằng, để duy trì được giá trị văn hóa của Việt Nam tại cộng đồng, một trong những công cụ quan trọng là việc giảng dạy và học tập tiếng Việt. Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn ủng hộ phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt của thế hệ trẻ, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba. Tại thủ đô Varsava của Ba Lan, cộng đồng người Việt đã thành lập một trường dạy tiếng Việt để duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ người Việt. Ngoài ra, hằng năm, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều hình thức để thể hiện sức mạnh của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan.

Trong bối cảnh chính trị trên thế giới thời gian qua có những diễn biến phức tạp, để công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hòa cùng nhịp thở của thời đại, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra tại Đại hội XII là “thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân”, việc tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường trao đổi thông tin, tư vấn giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương… là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân, kiều bào trẻ phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.

LINH OANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/tao-dieu-kien-de-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-dong-gop-cho-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-549687