Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long

Nhằm tìm ra các giải pháp giúp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngày 31/8, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã tổ chức 'Diễn đàn Kết nối cung cầu nông sản chủ lực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long'.

Nông sản là thế mạnh của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Trong những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản rất bấp bênh, gây thiệt hại cho trang trại, hợp tác xã và nông dân ngày càng thường xuyên. Thực trạng đó xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản, mật độ các cuộc “giải cứu” ngày càng dày hơn đã kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền.

Điều này cho thấy những bất cập trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản đang là rào cản lớn nhất hạn chế sự phát triển nông nghiệp. Đồng thời tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, như: nước biển dâng, khí hậu cực đoan, ngập lụt hạn hán… đang tạo ra thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng, sinh kế và đời sống nhân dân.

Tại diễn đàn, PGS.TS Mai Thành Phụng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam- nhận định, để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng hay liên kết “bốn nhà” đã ra đời.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm lớn của các địa phương, doanh nghiệp

Phân tích cụ thể về những chính sách đó, ông Phụng cho biết, Nhà nước đảm nhận các khâu: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, đến nay các mối liên kết này thật sự đầy đủ và hiệu quả, chưa có nhiều mô hình hoàn chỉnh để giữ cho sản xuất nông sản ổn định. Đầu ra và giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào các khâu trung gian, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên diễn ra.

“Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy việc liên kết bền vững nhưng những chính sách ấy đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ mới phát huy được hiệu quả “ – đại diện Hiệp hội bày tỏ.

Bàn về biện pháp phát triển bền vững cho nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long- cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển nền nông nông nghiệp từ dựa vào tài nguyên đất đai, lao động sang nền nông nghiệp khoa học công nghệ, sáng tạo. Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 phải dựa vào các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về tài chính, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc.

Theo các chuyên gia tại diễn đàn, khâu mấu chốt để giải bài toán đầu ra cho nông sản là sự vào cuộc của các nhà phân phối hiện đại. Chính sự tham gia của các kênh phân phối hiện đại sẽ tạo động lực cho bà con nông dân thay đổi tư duy và phương thức, cách thức tổ chức sản xuất. Từ đó, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ và hướng hẳn vào sản xuất nông sản sạch.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số siêu thị, việc thu mua nông sản của bà con còn gặp nhiều khó khăn khi nguồn hàng không ổn định, chất lượng không đồng đều, thậm chí không đảm bảo.

Bởi vậy, để kết nối được cung cầu cho nông sản, cần tạo ra kênh truyền thông, cung cấp thông tin về nông sản sạch cho người dân. Đặc biệt, cần lập bản đồ các điểm bán nông sản sạch, hữu cơ. Đồng thời thúc đẩy liên kết các nhà bán lẻ hợp tác với các vùng sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho bà con.

Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tang-cuong-ket-noi-tieu-thu-nong-san-dong-bang-song-cuu-long-108221.html