Tăng cường các giải pháp cấp điện mùa khô năm 2024

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị sản xuất điện, truyền tải, phân phối tăng cường các giải pháp đảm bảo sẵn sàng cung ứng điện trong cao điểm mùa khô năm 2024.

Duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý, vận hành cung cấp điện được đảm bảo, tuy nhiên hệ thống điện vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xảy ra các diễn biến bất thường của thời tiết, cũng như sự cố các nhà máy điện lớn dẫn đến sụt giảm công suất khả dụng hoặc sự cố lưới điện 500-220kV, sự cố các hệ thống cung cấp khí, gián đoạn nhiên liệu sơ cấp…

Để đảm bảo vận hành hệ thống tin cậy, ổn định, thời gian qua, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các nhà máy điện, hệ thống đường dây truyền tải, trạm biến áp... Đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô.

Cụ thể, thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã phối hợp với EVN tổ chức nhiều Đoàn công tác rà soát các nội dung chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2024. Từ đầu năm 2024 đến nay, các Đoàn công tác đã làm việc với các đơn vị điện lực: Các nhà máy nhiệt điện (Na Dương, Mông Dương 1, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phả Lại, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2); các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Sơn La; Công ty Điện lực Bắc Giang, trạm biến áp (TBA) 500kV Hiệp Hòa, TBA 500kV Nho Quan, TBA 500kV Hòa Bình nhằm rà soát tình hình xử lý sự cố thiết bị tại các nhà máy nhiệt điện, công tác đảm bảo công tác vận hành, điều tiết hồ chứa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc, công tác đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải - lưới điện phân phối, công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo cung cấp điện giai đoạn mùa khô năm 2024.

Đánh giá chung, các đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc phương thức huy động tổ máy và công suất; đáp ứng yêu cầu duy trì ổn định vận hành hệ thống điện (về điều tần, chạy bù đồng bộ điều chỉnh điện áp...), hệ thống thiết bị được vận hành tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn hiện hành, các khiếm khuyết thiết bị, hiện tượng bất thường được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác chuẩn bị vật tư và triển khai sửa chữa bảo dưỡng thiết bị đã được thực hiện trên cơ sở kế hoạch sửa chữa thường xuyên cho các quý, tháng trong năm 2024 theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt; các thiết bị thuộc hệ thống lò hơi, tuabin và các thiết bị phụ, hệ thống xử lý than, đá vôi, hệ thống xử lý nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy… trong dây truyền công nghệ được luân phiên bảo dưỡng, sẵn sàng đáp ứng trong toàn bộ thời gian được huy động. Các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng cho từng đường dây và từng TBA, đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn bảo dưỡng thiết bị nhất thứ như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly... theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Các công ty điện lực đang khẩn trương kiểm tra lưới điện, khắc phục khiếm khuyết, chống quá tải...; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện, an toàn điện và bảo vệ hành lang lưới điện; làm việc với các khách hàng lớn, ký kết thỏa thuận, phụ lục hợp đồng điều chỉnh phụ tải...

Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do nguyên nhân sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò...

Các đơn vị điện lực tăng cường các giải pháp cung cấp điện mùa khô năm 2024

Tăng cường các giải pháp cung cấp điện

Thông qua các đợt kiểm tra, Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng trong việc quản lý, vận hành hệ thống điện an toàn, đảm bảo cung cấp điện năm 2024, nhất là các tháng cao điểm mùa khô.

Theo đó, đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (NMĐ Hòa Bình, NMĐ Sơn La, NMĐ Lai Châu) tiếp tục bám sát tình hình thủy văn, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các nhà máy thủy điện tại thượng nguồn phía Trung Quốc,… để đề xuất và chủ động triển khai phương án vận hành phù hợp. Đối với vấn đề điều tiết mực nước, cần tổng hợp báo cáo về tình hình thực tiễn, đảm bảo tính đa mục tiêu của các hồ thủy điện như Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình và nhiều hồ chứa lớn khác trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn. Các nhà máy thực hiện đúng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tập trung vào tháng 3 và tháng 4 - trước cao điểm lũ, giúp các tổ máy duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất để đáp ứng cho công tác cung cấp điện mùa khô. Rà soát lại các phương án khởi động, phương án xử lý sự cố, diễn tập sự cố để cho đội ngũ trực ca, lực lượng kỹ thuật của đơn vị sẵn sàng trong mọi tình huống nhằm đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô 2024.

Đối với Nhà máy nhiệt điện, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2024 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới; Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; cũng như các văn bản chỉ đạo thời gian qua, các kế hoạch vận hành hệ thống điện và biểu đồ cấp than đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2024,…

Tiếp tục chỉ đạo công tác vận hành hiệu quả, chú trọng đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện, thường xuyên kiểm tra, giám sát để duy trì hoạt động của nhà máy ổn định theo đúng quy định và huy động của điều độ quốc gia, qua đó phát hiện sớm nguy cơ và phòng ngừa sự cố có thể xảy ra hoặc có phương án kịp thời khắc phục. Đặc biệt, đối với những sự cố đã xảy ra thời gian qua phải có phương án khắc phục, cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố một lần nữa.

Về những khó khăn còn tồn tại trong quá trình hoạt động, cần có phương án giải quyết sớm và phù hợp như nghiên cứu sử dụng các nguồn than linh động hơn, phù hợp với yêu cầu để đảm bảo than cho sản xuất điện, phối hợp với các bên liên quan để sớm xây dựng kế hoạch thử nghiệm các đặc tính vận hành P-Q, khả năng phát vô công để đảm bảo hỗ trợ điện áp cho lưới điện khu vực…

Đối với đơn vị truyền tải,thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, đặc biệt là cho mùa khô năm 2024. Lực lượng cán bộ vận hành tuân thủ nghiêm kỷ luật vận hành và tăng cường công tác đào tạo, diễn tập, thao tác xử lý sự cố nhằm không để xảy ra những sự cố khách quan, đặc biệt là trong những giai đoạn sửa chữa, lắp đặt mới, bổ sung thiết bị dẫn tới thay đổi phương thức vận hành và cần sử dụng các sơ đồ tạm thời. Đồng thời, cần có giải pháp tăng cường lực lượng ứng trực gắn với tăng cường trách nhiệm trong giám sát, vận hành lưới điện, rà soát lại phương thức vận hành để tính toán các kịch bản tình huống, phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố trong hệ thống.

Công ty Truyền tải điện 1 cũng cần xây dựng kịch bản về xử lý sự cố để đào tạo, diễn tập cho đội ngũ trực vận hành, đặc biệt tại những vị trí xung yếu như TBA 500kV Hòa Bình, TBA 500kV Hiệp Hòa. Đối với vấn đề vi phạm hành lang tuyến, các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra các tuyến đường dây và hành lang an toàn lưới điện, phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với công tác đầu tư xây dựng, cần sớm kiến nghị bổ sung tăng công suất của máy biến áp tại TBA 500kV Hòa Bình, góp phần phát huy hiệu quả trong lâu dài, tăng cường hỗ trợ của lưới 500kV huy động từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc để giảm áp lực cho các nhà máy điện miền Bắc, dự trữ cho giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng.

Đối với các công ty điện lực, thực hiện lập và thực hiện công bố kế hoạch vận hành hệ thống điện, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị điện và lưới điện phân phối năm, tháng, tuần theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT, việc ngừng giảm cung cấp điện phải được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BCT, trong đó lưu ý đảm bảo đầy đủ thông tin về nguyên nhân ngừng giảm mức cung cấp điện, thời gian dự kiến cấp điện trở lại. Cần chủ động làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn, đặc biệt là các khách hàng thuộc các khu-cụm công nghiệp để kịp thời, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện trên địa bàn để khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tích cực, kiên trì tuyên truyền với khách hàng để thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện, tiết kiệm điện. Khẩn trương rà soát công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để vận hành an toàn, ổn định; thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa sự cố; nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng.

Trong thời gian trước các tháng cao điểm mùa khô 2024 tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thành lập các Đoàn công tác làm việc với Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn – TKV, A0, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam và các đơn vị có liên quan.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-cap-dien-mua-kho-nam-2024-309552.html