Tản mạn về 'văn hóa giao thông': Chuyện còi xe trên phố (Bài 3)

Bạn đã khi nào cảm thấy khó chịu khi phải nghe tiếng còi xe inh ỏi, tiếng còi xe hồi dài đến nhức tai chưa? Và bạn có khi nào phải ra sức bấm còi xe của mình để 'xin đường' chưa? Tôi chắc là đã có, có cả hai như câu tôi vừa hỏi.

Đã đành còi xe là một bộ phận tuy rất nhỏ nhưng không thể thiếu cho một chiếc xe ô tô hoặc xe máy nó ví như đèn xe hay gương xe chẳng hạn. Cần thiết, không thể thiếu và biết sử dụng nó như thế nào và sử dụng vào trường hợp như thế nào mới là quan trọng.

Thông thường như ở nước ngoài, xe cộ đi đúng làn, đúng tuyến, đúng tốc độ thì chẳng cần phải dùng tới còi xe. Nhân nói về nước ngoài, nhớ chuyện trong chuyến du lịch Đà Nẵng , trên chuyến xe về Hội An, thấy đường đông đúc xe qua lại, có người hỏi: “Sao không còi”? Bác tài trả lời rằng: “Bọn em thường xuyên chở khách du lịch nước ngoài, nhiều tài xế đã bị từ chối phục vụ chỉ vì có thói quen bấm còi vô tội vạ”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhưng ở ta, nhất là đối với đường xá Hà Nội thì chiếc còi xe lại tỏ ra “khó có thể không dùng được”.

Xin đường ư? Còi to cho vượt

Báo hiệu là có xe đang chạy phía sau, chạy bên cạnh ư? Bấm còi

Xe đi vào chỗ đường hẹp, đường có đông người và phương tiện cùng lưu thông ư? Còi.

Thúc giục người và phương tiện đi đằng trước dẹp sang bên hay đi nhanh lên ư? Còi vài ba nhát.

Nhắc người đi bộ đang thong dong đi dưới lòng đường ư? Bấm còi toe toe

Báo hiệu xe đang dịch chuyển vào sát lề đường bên phải ư? Còi thôi

Và thích thể hiện mình là ai thì bấm còi.Thế thôi.

Nói chung là chúng ta với chiếc xe của mình khi đang lưu thông trên đường phố cho dù có nhún nhường, cho dù có khiêm tốn, cho dù có nhẹ nhàng thì chí ít cũng phải đôi ba lần ấn tay vào nút bấm còi.

Nhưng bấm còi như thế nào cho đúng luật giao thông?

Nhưng bấm còi như thế nào là văn minh?

Nhưng bấm còi như thế nào cho thể hiện sự tôn trọng người và phương tiện đằng trước và bên cạnh mình?

Bấm còi xe tưởng là hành vi bình thường của người tham gia giao thông, nhưng nếu không tuân thủ theo một số quy định nhất định, hành vi này sẽ bị phạt tiền. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 80.000 - 200.000 đồng đối với xe máy nếu bấm còi, rú ga liên tục, sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư.

Đối với ô tô, phạt tiền từ 100.000 - 3.000.000 đồng nếu có hành vi: Bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ xe ưu tiên; Bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên; Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng; Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.

Có lần bà hàng xóm nhà tôi, bà tuổi cũng ngoài bảy mươi, đi chơi nhà con gái về. Khổ, người cao tuổi rồi mà không đi ta xi cho lành lại cứ thích tự tay cầm lái xe máy kia. Bà hàng xóm bảo “Chú tính, mình già cả rồi nên đi xe máy đâu có nhanh được. Vả lại con cháu nó dặn rồi: Bà cứ đi từ tốn cho con cho cháu nhờ, nên chú ạ tôi đi từ từ thôi. Bỗng “choẹt choẹt” rõ to ngay sau đít. Tiếng kêu bất ngờ khiến tôi giật mình loạng choạng tay lái. Kết cục là đổ xe. May mà chỉ bị sước nhẹ. Mà tôi nói với chú thôi nhé, chú đừng cho mấy cháu nhà tôi nó biết. Nó biết nó cấm tiệt thì gay”. Tôi an ủi “bác cũng phải cẩn trọng hơn. Còi to bất ngờ là dễ giật mình lắm. Ngã ra đường may là không có xe nào lướt tới chứ có xe đang đi phía sau họ không tránh kịp thì đi “Văn Điển” với các cụ đấy bác ạ”.

Theo như câu chuyện của bà hàng xóm thì việc bấm còi bất ngờ cũng là một cách làm dễ gây tai nạn. Hơn nữa còi đó lại to đùng to đoàng nữa thì càng nguy hiểm. Thanh niên bây giờ “chịu chơi” và “thích thể hiện” nên đôi khi chúng muốn tỏ cho thiên hạ biết “Mình là ai” nên chẳng có gì cũng bấm còi inh ỏi hay nẹp pô ầm ỉ. Tôi đã vài lần đi trên hè phố đàng hoàng nhưng cũng giật thót mình khi có tiếng còi rõ to bất chợt vang lên, cũng có lần giật nẩy mình khi có tiếng nẹp pô xé tai bên cạnh.

Hành động gây tiếng ồn trên phố cũng là một hành động trái với luật giao thông, nhất là với giao thông trong đô thị. Lại nữa, chắc bạn đã có lần chứng kiến, tại một đoạn đường tắc nghen, các bác tài xe buýt vẫn vô tư còi inh ỏi, mặc dù biết rằng có còi thì các xe trước mặt cũng chả biết tránh ra đâu. Thế mới vô lý chứ. Vậy là đang chịu áp lực chuyện tắc đường lại chịu thêm áp lực bởi những tiếng còi.

Thủ đô ta có những tuyến phố có dựng biển báo “Cấm còi”. Đó là tuyến phố, đoạn phố ngang qua bệnh viện, trường học, công sở nhà nước. Thực ra đối với những tuyến phố đó, đoạn phố đó bao giờ cũng có biển báo “Bệnh viện”, biển báo “trường học”, biển báo “im lặng” …mà đã có biển báo như thế thì nếu bạn là người biết tôn trọng yêu cầu trật tự hay biết cư xử văn minh thì dĩ nhiên không bao giờ đặt tay vào nút bấm còi.

Thử một ví dụ nhé. Đang đêm khuya khoắt.Bạn nằm trong bệnh viện. Cơn đau trong cơ thể khiến bạn không sao nhắm mắt được. Đang cố thiu thiu thì bỗng từ ngoài đường phố vang lên tiếng còi xe lảnh lót (mà đêm xuống tiếng còi cứ như được cộng hưởng âm thanh lên gấp cả chục lần vậy). Thế là bạn hốt hoảng, thế là bạn mất ngủ. Chao ôi, những bác tài chạy xe ban đêm thấy phố vắng nghĩ buồn nên bấm còi cho “sảng khoải” đây? Cũng có thể thấy đường vắng phố yên có một ai đó nhẩn nha “dạo bộ” qua đường lại mải suy nghĩ chuyện bao đồng nên thấy xe chạy tới cũng như không thấy. Bác tài khi ấy bấm còi ai nỡ bảo bác ấy “sai” đây?

Ơ mà lại cũng có chuyện cần có tiếng còi xe mà không có mới phiền chứ. Bạn đã bao giờ nhẩy vội vào sát lề đường chưa? ấy là khi bỗng “vụt” một cái sượt qua sườn mình. Ra đường bây giờ sợ lắm mấy cô mấy cậu học sinh đi xe đạp điện. Xe chạy êm ru không phát ra tiếng động cơ vì xe làm gì có động cơ. Mấy cô mấy cậu học sinh chắc là vội tới lớp nên phóng xe điện khá nhanh. Chúng có khi còn đi hàng đôi hàng ba nữa. Vụt một cái, chiếc xe điện sượt qua khiến bạn giật mình. Hỏi “sao các cháu không bấm còi báo hiệu?”. Không có tiếng đáp vì chúng đã vụt trước đoạn dài.

Tôi đem chuyện này nói với mấy đồng nghiệp lúc ngồi quanh bàn trà. Một đồng nghiệp nam cười nghiêng cười ngả “Bố cháu quê một cục. Xe đạp điện làm gì có còi mà bấm”. Tôi trợn mắt ngạc nhiên “thật vậy á?”, “Chứ sao”, người đồng nghiệp nam nói thản nhiên.“Chết thật không có còi thì gay go thật. Xe điện chạy êm như thế thì lấy gì làm tín hiệu báo có xe đang tới đây? Không lẽ phải gào to lên là “Có xe tới. Có xe tới”.

Hỏi thêm tôi mới biết là các nhà sản xuất xe đạp điện không “quan tâm” đến còi xe vì họ cho rằng đây là loại phương tiện bình dân, loại phương tiện “cấp thấp” nên trang bị còi làm gì cho cách rách. Thưa, các nhà sản xuất đã lầm. Còn nhớ cái thuở “xe đạp kính coong” đấy. Xe đạp còn có chuông kêu kính coong vui tai kia mà. Xe đã đi ra đường thì xe nào chả là xe, xe nào mà chả có thể gây ra tai nạn. Cho nên theo ý nghĩ thiển cận của tôi thì “Cần có còi, có chuông cho các phương tiện tham gia giao thông cho dù đó là loại phương tiện gì, cấp độ nào.

Chuyện về tiếng còi xe xem ra còn dài lắm các bạn ạ. Nói dại chứ vô phúc mà bạn đang đi trên những con đường cửa ngõ dẫn vào nội đô chẳng hạn. Bạn sẽ hốt hoảng thực sự khi bỗng bên tai vang lên chát chúa tiếng còi xe của chiếc xe Contener nào đó. Còi xe ấy là loại còi hơi nên tiếng to phải biết. Nghe đâu đã có vài trường hợp vì còi xe cotener mà đã có người thiệt mạng tức tưởi.

Do vậy cần trang bị còi xe cho phương tiện tham gia giao thông nhưng cũng phải “cấm” triệt để việc một số lái xe, một số chủ phương tiện thích “hoành tráng” nên lắp còi khủng để “oai oai”. Còi khủng như vậy khác nào “thứ vũ khí” khủng bố màng nhĩ người đi đường, khủng bố thần kinh người đi đường. Tôi cố cảm tưởng hình như những loại xe càng to thì còi xe cũng càng to thì phải? Phải chăng hễ đã là xe to là phải có còi tiếng kêu thật to là một “nguyên tắc” của nhà sản xuất xe?

Ôi chuyện còi xe còn lắm lắm. Những mong trên đường phố Thủ đô mọi người đều có ý thức chấp hành luật lệ giao thông để nếu có còi xe bạn cũng không phải bấm còi. Mà bấm còi vừa mất trật tự vừa không đẹp chút nào. Những mong khi đi trên đường phố mọi người sẽ không phải “bận tâm” bởi những tiếng còi xe “vô duyên”. Mong lắm sẽ có một ngày không xa, Thủ đô ta sẽ là một “thành phố không còi xe”.

Thiện Vi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tan-man-ve-van-hoa-giao-thong-chuyen-coi-xe-tren-pho-bai-3-84330.html