Tái thiết Syria: Bảo tàng cổ đại được mở lại

Đã hai năm kể từ khi Nga tổ chức buổi hòa nhạc giữa lòng thành cổ Palmyra, đến nay Nga và Syria đang nỗ lực tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Ngày 28/10, Syria đã cho mở cửa trở lại một phần bảo tàng cổ đại nổi tiếng ở thủ đô Damascus sau 6 năm phải đóng cửa để bảo vệ các hiện vật và khách tham quản khỏi các vụ tấn công của quân nổi dậy.

Theo ông Ahmad Deeb, Phó Giám đốc quản lý bảo tàng, một số đồ tạo tác tại viện Bảo tàng Quốc gia có từ thời lịch sử xa xưa nhất, từ thời tiền sử đến thời đại Hồi giáo đã được đưa ra trưng bày để du khách thưởng lãm. Chính quyền Syria đang nỗ lực để chuẩn bị cho việc mở cửa lại toàn bộ viện bảo tàng trong thời gian tới.

Bảo tàng Damascus khánh thành từ năm 1920, đã phải đóng cửa từ năm 2012, tức một năm sau khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria. Để bảo vệ các hiện vật khỏi các vụ tấn công của lực lượng đối lập, nhà chức trách Syria buộc phải đưa những cổ vật ra khỏi bảo tàng.

Bảo tàng cổ đại Damascus được mở cửa trở lại một phần

Syria là nơi có hơn 700 công trình khảo cổ học quý, nhiều trong số này đã bị phá hủy, hư hại hoặc cướp phá ngay từ đầu cuộc chiến. Từ năm 2012, các viện bảo tàng đã cất giữ khoảng 300.000 hiện vật và hàng nghìn bản thảo quý trên cả nước tại những địa điểm bí mật để bảo vệ khỏi đạn pháo và cả lũ lụt.

Các bên tham chiến cáo buộc lẫn nhau cướp phá các hiện vật quý của các bảo tàng và nhiều công trình khảo cổ trên cả nước. Nổi tiếng nhất là thành cổ Palmyra, một di sản được UNESCO công nhận, đã bị các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng trước khi quân đội Nga can thiệp quân sự và giúp chính quyền Syria giành lại vào năm 2017.

Cách đây 2 năm, vào tháng 5/2016, tại thành phố cổ Palmyra của Syria, một buổi hòa nhạc Nga do nhạc trưởng nổi tiếng Valery Gergev dẫn đầu, bất ngờ diễn ra với sự tham dự của đông đảo người dân, binh sĩ Syria cùng các sỹ quan quân sự và kỹ sư Nga đang tham gia vào hoạt động rà phá bom mìn tại thành phố này.

Từ đó đến nay, đến lượt Bảo tàng Damacus được mở cửa trở lại. Đây có thể coi là dấu ấn đặc biệt, cho thấy nỗ lực hồi sinh đất nước của chính quyền Syria và Nga.

Sau hơn 7 năm xảy ra nội chiến, Tổng thống Syria Bashar Assad đã giải phóng được thủ đô, đẩy lùi các tay súng đối lập ra khỏi các vùng ngoại ô với sự yểm trợ quân sự của Nga.

Hiện các lực lượng chính phủ đang kiểm soát khoảng 2/3 diện tích đất nước. Hơn 360.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát tháng 3/2011.

Sau chiến tranh là công cuộc tái thiết đất nước đầy khó khăn. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem hồi cuối tháng 9 cho biết ưu tiên trong công cuộc tái thiết đất nước sẽ được trao cho các đồng minh của Syria.

Ông Muallem cũng nhấn mạnh Syria "không hoan nghênh" sự trợ giúp từ các nước ủng hộ hành động gây hấn tại Syria. Syria phản đối bất kỳ động thái nào nhằm thiết lập các điều kiện tiên quyết cho hoạt động của ủy ban lập hiến, cho rằng đó sẽ là hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ và khẳng định ủy ban này cần hoạt động độc lập.

Theo ông Muallem, Syria sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia này hoặc dẫn tới hành động can thiệp. Ông nhấn mạnh rằng người dân Syria cần "có tiếng nói quyết định" về vấn đề này.

Ông Muallem cũng cho biết Syria hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thân thiết về việc thành lập một ủy ban với các đặc điểm đã kể trên.

Đối với Nga, quốc gia đã thành công trong việc khôi phục lại một trật tự nhất định ở Syria, tái thiết lại quốc gia Trung Đông vẫn là một bài toán khó.

Các quan chức Nga từng lưu ý rằng Moscow sẽ không thể một mình tài trợ cho sự phục hồi của đất nước hoang tàn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Syria sẽ phải cần trên 300 tỷ USD để tái thiết đất nước.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tai-thiet-syria-bao-tang-co-dai-duoc-mo-lai-3368136/