Sụt lún nghiêm trọng chia cắt xã đảo ở Cà Mau

Hai tuyến đường ô-tô huyết mạch vận chuyển hàng hóa về trung tâm đã bị sụt lún, hư hỏng khiến Khánh Bình Tây - xã đảo duy nhất của tỉnh Cà Mau bị chia cắt hoàn toàn.

NDĐT – Hai tuyến đường ô-tô huyết mạch vận chuyển hàng hóa về trung tâm đã bị sụt lún, hư hỏng khiến Khánh Bình Tây - xã đảo duy nhất của tỉnh Cà Mau bị chia cắt hoàn toàn.

Vụ sụt lún nghiêm trọng mới đây xảy ra vào khoảng 2 giờ ngày 15-3, trên tuyến lộ nhựa Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc, đoạn ngang qua đất của gia đình ông Võ Văn tập (thuộc ấp Cơi 5, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Cùng với tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (trước đó đã hai lần bị sụp lún nghiêm trọng, đang cấm xe lưu thông), thì Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc là hai tuyến vận tải huyết mạch bằng đường bộ về trung tâm Khánh Bình Tây – xã đảo duy nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tại hiện trường, đoạn lộ vừa bị sụt lún tạo thành hố to, chiều dài 35m, ngang khoảng 8m và sâu khoảng 2,5m. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: Cạnh vị trí sụt lún hiện hình thành nhiều vết nứt mới kéo dài, nguy cơ tiếp tục xảy ra sụt lún.

“Trong khi nắng hạn làm khô cạn kênh rạch, giao thông thủy bị tê liệt thì việc hai tuyến đường huyết mạch về trung tâm bị hư hỏng nặng, khiến vận chuyển hàng hóa, nông sản… bằng đường bộ về Khánh Bình Tây bị chia cắt hoàn toàn” – ông Lê Phong bày tỏ sự lo lắng.

Nhiều vết nứt mới xuất hiện gần vị trí sụt lún.

Nắng hạn gay gắt kéo dài từ đầu mùa khô đến nay khiến toàn bộ kênh, mương, rạch vùng ngọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau khô cạn nước, giao thông thủy tê liệt hoàn toàn. Kênh rạch khô cạn cũng được xem là “thủ phạm” chính gây nên tình trạng sụt lún, sạt trượt làm hư hỏng nhiều công trình giao thông trên địa bàn vùng ngọt của tỉnh Cà Mau.

Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thống kê, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 1.000 vị trí sụt, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài hơn 22km. Trong đó có các công trình quy mô lớn như: tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1), tuyến đường trên đê biển Tây; tuyến Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc… Các vụ sụt lún xảy ra chủ yếu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Có mặt tại hiện trường vào chiều cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau Lê Thành Huấn cho biết rất bất ngờ bởi tuyến Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc hoàn thành hơn 15 năm nay, nền đất đã ổn định mà cũng bị sụt lún.

“Đầu tuần tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh để có giải pháp xử lý tạm, khai thông một trong hai tuyến huyết mạch về xã Khánh Bình Tây, không để xã bị cô lập vận tải”, ông Huấn cho biết.

Chính quyền địa phương hạ cành, nhánh cây xanh gần vị trí sụt lún để giảm thiểu sụt lún.

Cũng như tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1), tuyến đường trên đê biển Tây, tuyến đường Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc vừa bị sụt lún cũng nằm dọc con kênh trục đã khô cạn nước.

Theo ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, tình trạng sụt lún làm hư hỏng đường giao thông từng xảy ra tại Cà Mau vào mùa khô năm 2016. Điểm chung của những đoạn lộ hư hỏng là đều nằm dọc những kênh, mương đã kiệt nước hoặc không còn nước.

“Khi không còn nước sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất phía dưới con lộ dọc kênh khô nước bị yếu và co ngót. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, gây sụt, lún làm hư hỏng lộ làng, đường xá”, ông Hùng chia sẻ.

Năm 2016, hạn hán kéo dài làm khô cạn phần lớn kênh, rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau, kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là làm sụt lún 94 tuyến công trình giao thông với tổng chiều dài 113 km.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43622102-sut-lun-nghiem-trong-chia-cat-xa-dao-o-ca-mau.html