Sức ép và động lực

Nga đã bắn tín hiệu sẵn sàng đăng cai một cuộc gặp cấp cao giữa Israel và Palestine, trong bối cảnh Palestine phản đối vai trò duy nhất của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Căng thẳng ở dải Gaza hiện nay rất cần những nỗ lực ngoại giao quốc tế, nhằm dập tắt 'ngọn lửa xung đột' có nguy cơ cháy lan, đẩy dải đất ven biển của Palestine đến bờ vực thảm họa nhân đạo.

Tại phiên họp mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về những bế tắc vô cùng nguy hiểm kéo dài giữa Israel và Palestine. Các nước kêu gọi LHQ tích cực tham gia vào nỗ lực khôi phục tiến trình chính trị ở Trung Đông. Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Trung ĐôngMladenov cảnh báo, bạo lực gia tăng trở lại tại khu Bờ tây và dải Gaza khiến khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng trầm trọng. Ông cho rằng, Hội đồng Bảo an LHQ cần yêu cầu các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2014, để tránh nổ ra một cuộc xung đột bạo lực trên diện rộng.

Bạo lực ở dải Gaza diễn biến ngày càng nghiêm trọng sau vụ binh sĩ Israel bắn vào người biểu tình Palestine hồi trung tuần tháng 10, khiến ít nhất bảy người chết và hàng trăm người bị thương. Kể từ khi các cuộc biểu tình bùng nổ tháng 3 vừa qua, đã có hơn 200 người Palestine chết do trúng đạn, pháo bắn từ phía Israel. Xuất phát từ sự thống khổ mà hơn hai triệu người Palestine phải hứng chịu khi Israel rút khỏi dải Gaza hơn chục năm qua, song tiếp tục phong tỏa vùng đất này, khoảng 15 nghìn người Palestine đã tham gia biểu tình gần hàng rào biên giới. Nhiều người có những hành vi quá khích, như đốt lốp xe, ném đá, vật thể cháy nổ vào binh sĩ Israel. Người biểu tình phản đối đòi quyền được trở về quê nhà mà gia đình họ buộc phải rời đi hoặc bị xua đuổi.

Trong khi đó, nhằm đáp trả các vụ bắn rốc-két từ dải Gaza, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào các vị trí của Phong trào Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Israel A.Lieberman mới đây ra lệnh dừng việc vận chuyển xăng dầu vào Gaza thông qua Israel, do tình hình bạo lực tại biên giới.

LHQ nhiều lần cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza, khi Israel duy trì các chính sách thù địch chống người Palestine, còn Mỹ lại cắt ngân sách đóng góp cho quỹ viện trợ dành cho Gaza. Trước những nguy cơ, Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết cấp thêm 40 triệu ơ-rô cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) để hỗ trợ giáo dục cho trẻ em và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Bờ tây và dải Gaza. Quyết định của EU nhằm bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách 217 triệu USD, sau khi Mỹ cắt khoản đóng góp 350 triệu USD cho UNRWA. Việc thiếu hụt này dẫn đến 113 việc làm bị cắt giảm và 584 vị trí nhân viên khác phải chuyển sang các công việc bán thời gian. EU cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc lại “quyết định đáng tiếc” liên quan UNRWA.

Những chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump bị chỉ trích là đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt. Sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về vùng thánh địa “nhạy cảm” này, Mỹ mới đây lại công bố kế hoạch sáp nhập Tổng lãnh sự nước này ở Israel phụ trách các vấn đề người Palestine với Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Quyết định này cho thấy sự không thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Palestine.

Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) S.Erekat đã ra tuyên bố phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, cho rằng mang tính “ý thức hệ”. Palestine phản đối vai trò trung gian của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông khi Washington đứng về phía Israel. Người dân ở mảnh đất khói lửa Trung Đông này tiếp tục kiên trì theo đuổi cuộc đấu tranh cho giấc mơ thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, với thủ đô Đông Jerusalem và các đường biên giới được phân định từ trước năm 1967.

Cuộc đấu tranh của người Palestine giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Dù chịu sức ép của Mỹ và Israel, Đại hội đồng LHQ mới đây vẫn thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo việc trao cho quan sát viên Palestine quyền tạm thời giữ chức Chủ tịch Nhóm G77 - tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới, gồm 134 quốc gia đang phát triển, có nhiệm vụ thúc đẩy lợi ích kinh tế chung của các nước thành viên. Đây là động lực mới để Palestine tiếp tục cuộc đấu tranh kéo dài nhiều thập kỷ qua, giành lại những quyền cơ bản, quyền được sống trong hòa bình, không còn khói lửa chiến tranh.

HÀ THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37992302-suc-ep-va-dong-luc.html