Sự ra đời của một ca khúc nổi tiếng

Có những địa danh nổi tiếng, ai nghe cũng biết, dẫu có thể chưa đặt chân. Ví như Hạ Long, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Côn Đảo, Tam Đảo, Phú Quốc, Vũng Tàu… Vậy mà chưa có được những bài hát tương xứng. Ngược lại, có những vùng đất vốn dĩ lúc đầu chẳng có gì đặc biệt, không ai biết tới. Nhưng nhờ có những chiến công oanh liệt nào đó hoặc một bài hát hay nói đến mà trở nên lừng danh. Bạch Long Vĩ là trường hợp như vậy.

Đó là một hòn đảo nhỏ ở miền biển phía Đông Bắc nước ta, cách Hải Phòng 160km. Đảo này đã trở nên anh hùng với những chiến tích oanh liệt của quân dân ta chống trả những đợt oanh kích tàn bạo của địch trong cuộc chiến tranh phá hoại những năm tháng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bạch Long Vĩ là biểu tượng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân ta trong cuộc chiến tranh đó. Nhưng nói đến vùng đất có cái tên rất đẹp này (đuôi rồng trắng), người ta còn nghĩ ngay đến một bài hát hay, rất nổi tiếng. Đó là bài “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” của nhạc sĩ Huy Du (1926-2007): "Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên biển đông. Thôn xanh phù thủy châu, mênh mông sóng bạc đầu. Gió rì rào năm tháng...".

Nhạc sĩ Huy Du.

Bài hát được bắt đầu bằng những đường nét âm nhạc thật duyên dáng, đầy nữ tính. Toàn bộ đoạn A của bài hát (từ đầu đến... "tiếng hát em ngân càng cao") là một bức tranh thủy mạc được nhạc sĩ "vẽ" trên lụa với những màu sắc tươi sáng. Chỉ vài nét chấm phá, bức tranh đã hiện ra rất sinh động. Người nghe hình dung tới một hòn đảo nhỏ, đất không rộng, người không đông, nằm chơi vơi xa lắc ngoài biển Đông, gần như suốt ngày đêm, quanh năm chỉ có sóng và gió. Nhạc sĩ cũng không quên hai thứ rất đẹp có ở Bạch Long Vĩ, làm nên nét đặc trưng của đảo này. Đó là bào ngư và trúc anh đào. Nhưng trùm lên tất cả vẫn là tình yêu quê hương, xứ sở của những người sống ở nơi đây: "Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Sóng vỗ bao tình thương. Gió mang đi ngàn phương...".

Huy Du hay phổ nhạc từ thơ của người khác nên người ta dễ cho rằng ông chỉ giỏi về làm nhạc mà sở đoản viết lời. Nhưng qua bài hát này, người nghe lại thấy ông giầu năng lực văn học và soạn ca từ cũng hay. Không dễ gì có thể viết ra được những lời lẽ như trên, nhất là hình tượng "Sóng vỗ bao tình thương" thật giầu sức biểu cảm. Nhạc sĩ nhìn hòn đảo vẫn thấy nét đẹp thơ mộng của thiên nhiên, mặc dù lúc ông khai sinh tác phẩm, mảnh đất này vô cùng khốc liệt bởi những trận bom của giặc dội xuống suốt ngày đêm.

Vâng. Đó là một ngày của năm 1965, cách đây đã gần 60 năm. Khi ấy, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắt đầu lan rộng ở miền Bắc. Nhạc sĩ Huy Du lúc này đang là Trưởng đoàn Ca múa quân đội, có dịp cùng một nhóm làm phim ra đảo Bạch Long Vĩ. Những người làm phim có ý định thực hiện một bộ phim tài liệu về hòn đảo này. Còn Huy Du thì đi với tư cách vừa là nhạc sĩ sáng tác, vừa dẫn đầu một nhóm diễn viên ra phục vụ quân dân ở đảo.

Ba tháng ròng rã nhạc sĩ sống ở nơi đây, có thể nói như sống giữa một cái túi đựng bom vì máy bay Mỹ mỗi lần vào đất liền oanh tạc miền Bắc, trước khi rút về căn cứ lại trút tất cả lượng bom còn thừa xuống Bạch Long Vĩ. Những ngày tháng ấy, đây là nơi vô cùng khốc liệt, mang đậm dấu ấn cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Huy Du kể rằng cứ ngưng tiếng bom là ông lại tranh thủ đi dạo, lang thang khắp các ngõ ngách trên đảo. Và ông đã cảm nhận hết vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên trữ tình cùng với sự gan góc, anh hùng của quân dân nơi đây. Bài hát đầu tiên ông hoàn thành trong dịp đi thực tế này là “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi”. Liền sau đó, ông làm nhạc cho bộ phim tài liệu “Bạch Long Vĩ” của đạo diễn Trần Nhật Hiển.

Lúc này, Huy Du đã rất nổi tiếng với những bài hát “Ba Vì năm xưa”, “Sẽ về thủ đô”, “Hoa mộc miên”, “Hàng dừa xanh”, “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Anh vẫn hành quân”... Ông được nhiều đơn vị bộ đội và Đoàn thanh niên tại huyện đảo mời đến nói chuyện. Không phải là người diễn thuyết giỏi nhưng vì nổi tiếng nên người ta kéo đến nghe rất đông. Nhiều cô gái xin ông chữ ký và muốn ông sáng tác một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ cho họ hát.

Thế là Huy Du nghĩ tới việc cần phải có một bài hát trong phim, cố gắng viết thật hay, dễ hát để luôn thể đáp ứng nguyện vọng của các cô gái. Thế là ca khúc “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” ra đời. Ở bài hát này, ông muốn không chỉ thể hiện tình cảm người chiến sĩ, mà chủ yếu là của những người dân bình thường sống trên đảo.

Hoàng hôn trên đảo Bạch Long Vĩ.

Vẫn bị ám ảnh, chưa thoát ra được giai điệu bài hát trước, trong lúc chưa biết hình thành bài mới từ chất liệu gì, bắt đầu ra sao thì một lần đang đi lững thững trên đảo giữa hoàng hôn vào một ngày giặc không trút bom (Những ngày như thế rất hiếm hoi trong thời gian ấy), nhạc sĩ bỗng nghe từ giữa những khóm trúc anh đào vang lên tiếng hát của mấy cô dân quân. Để các cô tự nhiên hát, ông đã lặng lẽ đi qua, cố gắng không để họ phát hiện có người lạ đang nghe mình. Rồi các cô lại hát. Tiếng hát càng trong trẻo, càng say sưa, ngân vang giữa một vùng đảo xa chơi vơi nơi biển cả.

Nhạc sĩ thấy thật thú vị. Các cô chỉ quen lao động và cầm súng bắn máy bay chứ không thạo ca hát. Không phải là văn công mà ông thấy họ hát rất hay. Sự liên tưởng, óc tư duy, tưởng tượng của người sáng tác bao giờ cũng vô bờ bến. Ông nghĩ tới sự sống bất diệt nơi tưởng như rất khó tồn tại bởi hàng tấn bom kẻ thù trút xuống mỗi ngày. Thế là bật ra được những âm thanh đầu tiên như chúng ta đã biết - những âm thanh thật ngọt ngào, dịu dàng, mềm mại, chứ không sôi động, khẩn trương như không khí âm nhạc chung của những ngày tháng ấy.

Viết bài hát cho phim tài liệu lần này với nội dung hình ảnh đã rất hào hùng, ông thấy không cần thiết phải tạo nên một giai điệu cũng sôi động. Tuy vậy, để tạo sự tương phản trong một ca khúc thể 2 đoạn, nhạc sĩ đã đẩy không khí ở đoạn B cho sôi nổi, khẩn trương hơn, nhưng vẫn là sự vui vẻ, có phần nhí nhảnh mang đậm nữ tính, chứ không phải không khí căng thẳng của đạn bom. Đó là đoạn từ: "Từ tháng tám mùa thu nghe tiếng mẹ ru. Sớm nắng chiều mưa..." đến: "không quên người". Hiệu quả tươi vui, nhanh, sôi nổi đạt được nhờ việc sử dụng hàng loạt nốt móc kép liên tục được duy trì trong suốt cả đoạn. Nhưng cuối cùng, tác giả vẫn cho bài hát quay về đoạn A để kết, bởi muốn củng cố lại ấn tượng về sự mượt mà, óng ả, thơ mộng, rất đẹp của giai điệu.

Trong nền âm nhạc chống Mỹ cứu nước, “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” là một bài hát đặc sắc. Đã nhiều chục năm trôi qua, nghe lại, ta vẫn thấy mới mẻ. Nói vậy để thấy một thành công lớn của tác phẩm này là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Bộ phim tài liệu “Bạch Long Vĩ” có giá trị tuyên truyền nhất thời. Nhưng bài hát trong phim đã vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim để sống mãi. Khi ra đời, bài hát được vang trong phim, rồi trên làn sóng phát thanh bằng giọng hát của một tốp ca nữ. Sau đó, có nhiều ca sĩ hát đơn ca, song ca cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, do đặc điểm nữ tính của giai điệu như đã nói, bài hát chỉ phù hợp với sự thể hiện của giọng nữ.

Cuối cùng là hai chi tiết có lẽ cần thông tin đến độc giả sau khi bài hát này ra đời. Chi tiết thứ nhất: Tình cờ một lần ra đảo Bạch Long Vĩ, tôi quen một cô gái trẻ tình nguyện ra công tác ở đảo này sau khi tốt nghiệp đại học. Nhà cô ở Hải Phòng, lại có ông bố làm cán bộ khá "to" hoàn toàn có thể lo cho cô làm việc ở thành phố, thậm chí ở Thủ đô. Nhưng cô vẫn ra đảo. Tôi hỏi lý do khiến cô có thể sẵn sàng ra nơi sóng gió heo hút. Cô trả lời: "Em rất thích bài hát “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” nên muốn ra đảo một thời gian xem sao. Sau này, nếu cần, em có thể xin chuyển về đất liền cũng được".

Chi tiết thứ hai: Sau này, lãnh đạo đảo Bạch Long Vĩ nhiều lần tổ chức mời các nhạc sĩ tiếp tục sáng tác cho đảo. Nhưng nhiều người - trong đó có cả những nhạc sĩ nổi tiếng - chưa nhận lời chỉ vì cái bóng của bài “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” quá lớn. Họ nghĩ sẽ khó có thể vượt qua.

Đến hôm nay, chắc không mấy bạn đọc biết bài hát này được hình thành từ một bộ phim tài liệu nhỏ, khiêm nhường.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/su-ra-doi-cua-mot-ca-khuc-noi-tieng-i727394/