Sống với điệu hò dân gian

Sáng 11 tháng Giêng âm lịch (26-2-2018), vạn chài Hải Ninh ở cửa biển Sa Cần, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2018. Người rạo rực mong chờ nhất là ông Vũ Huy Bình, nghệ nhân dân gian tại địa phương. Nhiều người hiểu về ông nói đùa, ông Bình mong mỗi năm có vài lần lễ hội để hát cho thỏa các làn điệu dân ca Liên khu 5, bài chòi, chèo bả trạo mà ông đã sưu tầm thành một kho tàng.

Nghệ nhân Vũ Huy Bình. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngôi nhà của nghệ nhân dân gian Vũ Huy Bình nằm ở làng chài Hải Ninh, cách cửa biển Sa Cần vài trăm mét. Trong ngôi nhà chỉ rộng chừng 30m2 của ông luôn đặt trang trọng những tấm bằng công nhận thành tích đóng góp cho nghệ thuật, bao gồm: Bằng công nhận người có công đóng góp cho văn hóa dân gian Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa...

Tôi gặp ông trước ngày tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm và hiểu rằng, ông Bình là người mong ngóng nhất. Suốt cả tuần lễ, ông lo sửa soạn cho buổi lễ. Ông trải ra bàn những bộ quần áo lính dành cho đội hát bả trạo trên tàu cá. Ông xoay trên tay 130 quân bài để hát bài chòi. Cầm trên tay quân bài số 7, ông Bình cất giọng hát: “Sáng dậy thì em chải chuốt soi gương/ Quần áo em không giặt, bỏ trên giường thai lai/ Miệng lúc nào em cũng nhép cũng nhai/ Đầu đường xó chợ em lai rai suốt cả ngày...”. Tôi không nín được cười. Vì bài chòi này khắc họa chân dung của một người phụ nữ “xấu xí”. Ông Bình ngừng hát và cho biết: “130 quân bài kèm theo 130 câu chuyện dạy răn người đời, quân số 7 là bài hát dạy những người phụ nữ phải biết lo toan việc gia đình, không bỏ bê việc nhà. Đầu năm hát bài này trong làng cũng giúp chị em nào chưa tốt thì phải tự sửa mình”.

Ngồi với ông Bình một lúc, tôi có cảm giác ông đã biến ngôi nhà mình thành một sân khấu bài chòi náo nhiệt. Bởi ông không ngừng hát và nói về xuất xứ của chèo, phân tích từng quân bài, liên hệ những bài chòi với cuộc sống hiện tại và có tác dụng như thế nào. Ông Bình nói rằng, mình có thể hát cả ngày mà không cần sách vở. Ông còn thuộc nằm lòng những tác phẩm mà mình sáng tác cho đồng bào Mơ Nông, Ê Đê trong thời gian công tác tại tỉnh Đắk Lắk từ năm 1995. Người con gái út của ông là Vũ Thị Ái Duyên ảnh hưởng niềm đam mê dân ca của ông nên cũng trưởng thành theo đường nghệ thuật và hiện nay là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông.

Ông Bình cho biết, từ năm 1986, các cụ già trong làng thấy ông là người có trình độ, là cán bộ làm văn hóa, có giọng hát tốt nên đã khuyến khích ông sưu tầm tất cả các bài dân ca trong làng sắp bị mai một. Vậy là, ông cặm cụi ghi chép bằng tay, hết cuốn vở này đến cuốn khác. Trang đầu tiên ông đều viết dòng chữ bằng bút đỏ, chữ in đậm và to: “Tài sản quý cần ghi lại cho đời sau”.

Trước năm 1975, làng chài ở cửa biển Sa Cần liên tục bị địch bố ráp, vì nơi đây từng là nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực sau chiến thắng Vạn Tường năm 1965. Cậu thanh niên Vũ Huy Bình rời làng lên núi theo cách mạng và tham gia vào đội văn công của huyện Bình Sơn. Ban đầu, cậu Bình có những sáng tác nhỏ, viết thuyết sướng, tham gia diễn các tác phẩm: Ba Tơ anh hùng, Cô gái Ba Tơ dưới cờ giải phóng, Cô gái Bình Đông... Ông Bình nói đùa, bên cạnh việc tham gia biểu diễn thì còn có cơ hội luyện giọng nhờ việc lên xuống gần vùng địch, rồi đặt loa kêu gọi “anh em binh sĩ (ngụy) hãy bỏ súng quay về với cách mạng, không gây nợ máu với đồng bào”.

Sau giải phóng, ông Bình tiếp tục tham gia các hoạt động văn hóa. Vở kịch đầu tiên ông viết là “Đường về Thạch Nham”. Tác phẩm này tổ chức mang đi hội diễn tại Đà Nẵng vào năm 1987 và được Bộ Văn hóa Thông tin tặng Huy chương vàng. Năm 1993, ông được tặng Huy chương Vàng trong hội thi về văn hóa dân gian toàn quốc tổ chức tại tỉnh Phú Yên, với tác phẩm Về biển.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ nhìn về phía biển, ông Bình cho biết, “thực ra, các làn điệu dân ca đã ngấm vào tôi từ khi còn nhỏ”. Cách đây 50 năm, cậu bé Bình được cha là ông Vũ Hào dẫn đi xem hát bả trạo tại cửa biển Sa Cần, tổ chức vào dịp sau Tết Nguyên đán. Ngày đó, dân làng còn đói kém, vì vậy, trang phục cho những người lính trong đội chèo chỉ là bộ quần áo vải ta, màu nâu hoặc xanh tím. Chỉ có ông tổng chèo tự trang trí thêm cho mình chiếc mũ có giắt vài chiếc lông gà và dán giấy màu. Ký ức đó đã giúp ông phục dựng lại toàn bộ Lễ ra quân đánh bắt đầu năm, bao gồm múa gươm, múa bả trạo, hát bài chòi.

Đoàn tàu xuất hành đưa đội hát bả trạo ra biển. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Bình cho biết, trước đây, làng chài tổ chức thêm các chương trình vui chơi như: Rót mắm vào chai, thi đan lưới, thi nạp chì lưới, thi căng phao lưới, kéo co, đua thuyền... Còn bây giờ, làng Hải Ninh tổ chức chương trình quy mô hơn, những người lính chèo được may trang phục đẹp mắt như những người lính của triều đình; ông tổng chèo chân đi hia, đầu đội mũ cánh chuồn, vai và lưng được trang trí những tấm khăn thêu hoa văn.

Sáng 11 âm lịch (26-2), Lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2018 được tổ chức tại cửa biển Sa Cần. Ông Bình mặc bộ quần áo màu xanh, làm tổng lái. Ông luôn khát khao được hát và hôm nay là dịp ông thỏa nguyện vọng. Ông Bình cho biết, nhiệm vụ của 3 ông tổng này đã kể lại đầy đủ cuộc mưu sinh của các bậc tiền bối từ ngày lập làng năm 1817. Ông tổng tiền lo ngắm trời, trăng, mây, nước, núi... để tàu đi đúng hướng, vào đúng cửa, biết khi nào thời tiết xấu. Ông tổng hậu thường lo việc phát lệnh “bủa lưới, thả neo, giăng câu”. Ông tổng thương lo việc hậu cần như: Tát nước, nấu cơm, muối cá...

Trong buổi lễ, giọng của ông Bình vang lên, thay dân làng gửi lời cầu mong thần Nam Hải phò trợ cho bà con có cuộc mưu sinh yên bình trên biển cả: “Biển Đông chung đúc nước Việt anh linh, thần cơ màu nhiệm thánh đức thanh lương, ký huyền huyền như mặc mặc, tướng yểu yểu như minh minh...”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/song-voi-dieu-ho-dan-gian/