'Số phận' những cành đào sau đêm 30 Tết

'Người bán đào có tâm không ai chặt đào cả, chúng tôi có thể đem về trồng nếu là cây, nếu là cành có thể cho hàng xóm láng giềng hay bất cứ ai cần', một người bán đào chia sẻ.

Trước Tết Nguyên đán, nhiều người dân háo hức đi mua những cành đào, cây đào đẹp để về trưng trong nhà. Nhiều cây đào tiền triệu cũng được săn đón, thậm chí nhiều cây đào giá thuê chục triệu cũng được đặt hàng trước Tết cả mấy ngày.

Trái ngược với những cây, cành đào đã có chủ, được chăm chút, trang trí lung linh để đón Tết cùng gia chủ, vẫn còn đó hàng nghìn cây đào không may mắn, không được ai lựa chọn. Nhiều người thắc mắc về số phận của những cây đào này sẽ đi về đâu sau đêm 30 Tết?.

Đến chiều 21/1 (tức chiều 30 Tết Âm lịch), nhiều người dân mới đi sắm đào về chơi Tết.

Anh Văn, tiểu thương kinh doanh đào, quất gần ga Phúc Yên (phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Với những cành đào không được mua, chúng tôi không còn cách nào khác đành phải bỏ lại, nếu đến tối muộn đêm 30 ai xin có thể cho. Còn đối với những cây đào, chúng tôi sẽ giữ lại gốc để trồng và bán vào những năm sau".

"Đã kinh doanh, buôn bán là phải lường trước và chấp nhận những rủi ro. Có thể năm nay không bán được nhiều nhưng năm sau sẽ phấn khởi hơn. Không bán được có thể hơi buồn, nhưng không vì thế mà đập phá chậu, chặt, đốt cây... Chúng tôi chăm chút cây cả năm trời, không ai mua cũng không lỡ làm thế", anh Văn nói thêm.

Tại một số chợ hoa, vườn đào vẫn ghi nhận không khí khá tấp nập, người mua kẻ bán ra vào nhộn nhịp.

Năm nay, nhu cầu mua cây, hoa trưng Tết của người dân năm nay có xu hướng giảm mạnh so với năm 2022. Nếu như cùng kỳ năm 2022, tiểu thương và những người làm trong vườn luôn tất bật với việc chốt đơn và giao cây cho khách thì năm nay lượng khách hàng mua cây và hoa giảm hẳn.

Tại vườn đào Phúc Yên (xã Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), anh Đào Văn Lợi, chủ vườn đào rộng 800 mét vuông chia sẻ, với những cây đào đến hôm nay vẫn chưa có người mua, tôi đành phải chặt cành để giữ gốc. Nhiều người đến hôm nay mới đi sắm đào, quất họ trả bao nhiêu tôi cũng bán, cuối năm rồi mọi người đều vui vẻ, không cần thiết phải khó chịu, tiêu cực.

"Những cành đào không ai mua tôi đem đi cho, nhiều người lao động như nhân viên vệ sinh hết hôm nay (30 Tết) mới được nghỉ, tôi để đào đấy họ thích lấy thì lấy, không gây khó dễ gì cả. Còn lại cành nào xấu, cành nào khô quá thì tôi đem đi nấu bánh chưng", anh Lợi vui vẻ nói.

Đêm giao thừa chỉ còn vài tiếng nữa, nhiều chủ vườn vẫn tiếp tục vận chuyển đào ra chợ để bán vì "được đồng nào hay đồng đó" và "dù sao cũng phải chặt cành, chỉ giữ lại gốc cho năm sau".

Trong khi nhiều tiểu thương buôn bán ế ẩm, anh V.V.H. cho biết mình đã bán hết đào, quất từ 28 Tết. Theo anh H., việc bán buôn thuận lợi hay không còn dựa vào người bán, không chỉ dựa vào người mua. Nếu ham lời mà ôm nhiều hàng, không linh hoạt về giá theo nhu cầu, sức mua thì rất dễ bị lỗ.

"Những cây còn sót lại, không ai mua chủ yếu là cây xấu. Những cây này mình có thể bán với giá rẻ như cho, chứ người đi buôn hạn chế việc cho không hàng hóa. Ngoài ra với những cây quất "vô chủ" đến chiều 29, 30 Tết thường chúng tôi sẽ vặt hết quả để bán lẻ cho khách bày mâm ngũ quả hay cho các hàng quán để họ rửa bát, đĩa,...", anh H. nói.

Bài, ảnh: Thành Long, Khánh Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-phan-nhung-canh-dao-sau-dem-30-tet-169230120084941092.htm