Số phận của sói Wolfoo 'Make in Vietnam' trong cuộc đấu với Siêu nhân
Phim điện ảnh về sói Wolfoo cho thấy những bước tiến nhất định của hoạt hình Việt về nội dung lẫn yếu tố giải trí. Tuy nhiên, phim lại gặp khó khi phải đối đầu dàn bom tấn quốc tế.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Ra mắt từ năm 2018, sói Wolfoo đã nhanh chóng gây được tiếng vang và thu hút sự quan tâm của nhiều trẻ em tại Việt Nam lẫn khu vực. Bước lên màn ảnh rộng trong Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới, phim nhận nhiều kỳ vọng khi được giới thiệu là dự án điện ảnh hoạt hình nội địa đầu tiên ra mắt với chuẩn âm thanh Dolby Atmos.
Được sản xuất bởi Sconnect, đơn vị đứng sau loạt phim hoạt hình “Make in Vietnam” như Wolfoo & Hòn đảo kỳ bí hay Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu, tác phẩm lần này cho thấy một bước tiến khá rõ rệt về nội dung, khi không chỉ chăm chút phần nhìn mà còn đào sâu vào vấn đề tâm lý gia đình, vốn từng bị xem là “quá sức” với dòng phim hoạt hình hướng tới giải trí cho đối tượng trẻ nhỏ.
Câu chuyện dễ xem, cảm xúc
Tựa phim đưa người xem vào một chuyến phiêu lưu bất đắc dĩ tới Tam Giới, một vũ trụ kỳ ảo, nơi ở của các vị thần mà đứng đầu là chúa tể Idra.
Câu chuyện bắt đầu khi cha của Wolfoo - ông Wulfen - vì mải mê công việc mà quên đi cổ vũ con trai thi đấu. Cảm giác hụt hẫng, tổn thương vì cha không giữ lời, lại cảm thấy ông thiên vị em gái hơn mình, Wolfoo nảy sinh tranh cãi với Wulfen. Thế rồi sau một sự cố trên thiên giới, cả hai bất đắc dĩ bị chọn trở thành những thí sinh tại giải đua Tam Giới lần thứ 10.000.
Tại đây, hai cha con Wolfoo - Wulfen trở thành đồng đội, dưới sự dẫn dắt của cô nàng đội trưởng Ali Mew Mew. Nếu chiến thắng, họ có thể trở thành tiên nhân, được ở lại thế giới thần kỳ này. Nhưng chẳng may thất bại, quê nhà Neverend của cả hai có nguy cơ bị xóa sổ mãi mãi.

Tạo hình dễ thương của sói Wolfoo và Wulfen.
Những mâu thuẫn được đặt ra trong Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới khá gần gũi, có thể bắt gặp trong bất kỳ tổ ấm nào. Phim cũng vì vậy mà chọn lối kể chuyện, đặt vấn đề trực diện, giúp khán giả nhí dễ dàng tiếp cận.
Wulfen đại diện cho nhiều phụ huynh mải mê bận rộn với công việc mà đôi khi làm tổn thương con cái. Từ góc nhìn của người lớn, cha mẹ mong con thấu hiểu, cảm thông. Wulfen cho rằng "con nít hay quên", nên chỉ cần mua cho cây kem là con sẽ hết giận. Ông cũng vô tình áp đặt lên Wolfoo nhiều định kiến, rằng con trai thì không được khóc lóc, hờn dỗi, không được mè nheo ghen tị với em gái mà trách móc cha.
Trong khi Wolfoo nóng nảy nhưng đầy nhạy cảm, dễ tổn thương khi bị cha "bỏ rơi" hết lần này tới lần khác, dành sự quan tâm cho em nhỏ nhiều hơn... Chính những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhặt ấy dần khiến hai cha con trở nên xa cách, bất kỳ cuộc nói chuyện nào cũng đi vào bế tắc. Cuộc đua bất đắc dĩ tại Tam Giới lại trở thành cơ hội để cả hai bộc bạch hết suy nghĩ, giải quyết mâu thuẫn và tìm được sợi dây kết nối đã lạc mất từ lâu.
Điểm đáng khích lệ của phim nằm ở chỗ kịch bản không cố tìm cách lý tưởng hóa vấn đề hay đưa ra một lời giải mang tính gượng ép. Thay vào đó, tác phẩm dẫn dắt khán giả qua từng vòng đua với nhiều thử thách, để người xem cùng chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức và cảm xúc của cả hai nhân vật, rồi tự rút ra bài học.




Phim chăm chút phần nhìn với những khung hình sặc sỡ, nịnh mắt.
Mâu thuẫn giữa hai cha con Wolfoo - Wulfen không chỉ đến từ cái tôi quá cao của mỗi người, mà còn từ việc thiếu sự thấu hiểu, kết nối giữa các thành viên, điều mà không ít gia đình hiện nay gặp phải. Chất liệu "daddy issues" được khai thác trực diện trong mạch truyện chính. Nó không chỉ nằm trong mối quan hệ Wolfoo - Wulfen, mà còn xuất hiện ở những tổn thương của cô nàng đồng đội Ali Mew Mew với người cha quá cố, cho tới cả kẻ nắm quyền lực tối cao của Tam Giới - chúa tể Idra.
Thế khó của Wolfoo
Bên cạnh câu chuyện lớp lang, Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới thể hiện tham vọng trong việc mang hoạt hình Việt vươn tầm khu vực. Phần hình ảnh phim nhìn chung được chăm chút khá cẩn thận, với nhiều khung hình sặc sỡ, nịnh mắt, bối cảnh đa dạng dễ dàng kích thích sự hào hứng của khán giả nhí. Bên cạnh đó, đây cũng là phim hoạt hình đầu tiên tại Việt Nam ra mắt với chuẩn âm thanh Dolby Atmos, bổ trợ cho nhiều cảnh hành động cao trào, đặc biệt là những màn đua xe trở nên kịch tính, sống động hơn trước mắt người xem.
Phần lời thoại trong Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới cũng tạo được thiện cảm. Nhiều câu thoại "bắt trend" hài hước, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng. Tác phẩm cũng không cố lồng ghép những lời thoại mang tính rao giảng, giáo điều, khiến thông điệp không bị truyền tải gượng ép.
Sẽ là hơi khập khiễng nếu đem đứa con tinh thần của đạo diễn Thơ Phan đặt lên bàn cân với những bom tấn hoạt hình quốc tế đang chiếu ngoài rạp, điển hình là Elio của Pixar. Tuy nhiên, Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới vẫn có thể được coi là niềm tự hào của hoạt hình Việt, khi đã có những bước tiến nhất định về nội dung lẫn yếu tố giải trí.

Vì là phim trẻ em nên nội dung Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới còn đơn giản, giải quyết vấn đề dễ dàng.
Tất nhiên, Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chưa phải một phim hoạt hình hoàn hảo. Một số chi tiết trong phim thiếu tính logic, hay cách giải quyết vấn đề ở hồi cuối có phần dễ dàng. Dù có hình ảnh khá nịnh mắt, chuyển động của nhân vật đôi khi vẫn thiếu sự mượt mà, nhất là trong các phân cảnh tại giải đua.
Song, nhưng những hạn chế đó không quá ảnh hưởng tới trải nghiệm chung, nhất là khi tác phẩm có câu chuyện phiêu lưu xen lẫn tình cảm gia đình nhiều màu sắc, được dàn dựng với nhịp điệu khéo léo để chúng không trở nên buồn tẻ.
Với phim điện ảnh lần này, dễ thấy sói Wolfoo đã vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc để chạm tới những khán giả ở độ tuổi lớn hơn. Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới là minh chứng cho thấy hoạt hình nội địa hoàn toàn có thể kể những câu chuyện ý nghĩa bằng một giọng điệu nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng không kém phần lay động.
Thế nhưng, tác phẩm lại đang gặp không ít trở ngại ngoài rạp chiếu. Việc phải đối đầu với hai bom tấn Siêu nhân và Thế giới khủng long, cùng loạt phim quốc tế lần nội địa khác khiến suất chiếu Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới khá hạn chế. Bình quân mỗi ngày, phim chỉ có khoảng hơn 400 suất chiếu. Sau khoảng 3 ngày ra mắt, tính tới chiều 13/7, dự án do Thơ Phan cầm trịch mang về gần 1,5 tỷ đồng.