Số lượng thảm họa thời tiết tại Mỹ vượt kỷ lục trong năm nay

Theo hãng CNN, năm 2023, Mỹ ghi nhận nhiều thảm họa thời tiết và khí hậu, gây thiệt hại kỷ lục. Điển hình là những cơn bão dữ dội, cháy rừng lớn ở Maui hay mới đây là cơn bão Idalia vào tháng trước.

Thống kê Mỹ vượt kỷ lục thảm họa thiên tai trong năm nay

Theo dữ liệu mới từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), khả năng trong năm nay Mỹ phải hứng chịu khoảng 23 thiên tai, mỗi thiên tai gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD, vượt qua kỷ lục năm trước là 22 thảm họa thời tiết.

Những ngôi nhà và tòa nhà bên bờ sông ở Lahaina bị phá hủy vào ngày 10/8 sau trận cháy rừng ở Maui. Ảnh: CNN

Dữ liệu của NOAA cho thấy các thảm họa tại Mỹ đã gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD trong năm nay, trong đó thống kê khoảng 253 trường hợp tử vong trực tiếp và gián tiếp, thiệt hại 57,6 tỷ USD. Tuy nhiên, thống kê mức thiệt hại về người và tài sản này chưa bao gồm Bão Idalia.

NOAA vẫn đang tiếp tục phân tích xem liệu các sự kiện khác, bao gồm hạn hán ở miền Nam và Trung Tây cũng như cơn bão nhiệt đới Hilary, diễn ra ở miền nam California vào mùa hè năm nay, có thể gây thất thoát lên mức hàng tỷ đô la hay không.

Bà Rachel Cleetus, Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ cho biết tác động của thời tiết khắc nghiệt đang thu hút chú ý trước các quyết định xây dựng lại những khu vực có nguy cơ cao. Trong khi đó hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng đang gia tăng do khủng hoảng khí hậu.

"Những con số kỷ lục và đáng kinh ngạc về chi phí ứng phó với thiên tai là sự xác nhận mới nhất cho thấy các thảm họa thiên tai ngày càng trở nên tồi tệ hơn và lý do chính gây ra hiện tượng này là tác động của biến đổi khí hậu.

"Bên cạnh những vấn đề biến đổi khí hậu, một số lựa chọn của chúng ta về cách ứng phó đang khiến nhiều người gặp rủi ro và rất nhiều tài sản kinh tế có giá trị hơn gặp nguy hiểm", bà Rachel Cleetus cho biết.

Tổng chi phí chi trả cho thảm họa thiên tai trong năm 2023 chỉ xếp sau năm 2017. Thảm họa thiên tai đã gây thiệt hại kỳ lục nhất ở Mỹ, lên tới 383 tỷ USD, điển hình là mùa cháy rừng tàn khốc ở California và các cơn bão lớn như Harvey, Irma và Maria tấn công nước Mỹ chỉ trong một tháng.

Ứng phó với thảm họa thiên tai

Ông Adam Smith, một nhà khí hậu học của NOAA cho biết, ngày càng có nhiều thảm họa xảy ra kéo theo nguồn chi phí lớn của liên bang, tiểu bang và địa phương để ứng phó và tái thiết.

"Mỹ đã liên tục bị ảnh hưởng bởi các cơn bão lớn trong nhiều năm qua, bao gồm các cơn bão Harvey, Irma, Maria, Michael, Laura, Ida, Ian và gần đây nhất là Idalia. Ảnh hưởng của những cơn bão này có thể cảm nhận ở xa Bờ Vịnh dưới dạng lượng mưa cực lớn, có sức tàn phá cao. Thảm họa xảy ra thường xuyên hơn và khoảng cách thời gian giữa các thảm họa đang trở nên ngắn hơn. Vì vậy, chúng ta thường ít có thời gian hay chuẩn bị sẵn nguồn lực để ứng phó, phục hồi và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai", ông Adam Smith nhấn mạnh.

Chi phí cho thiên tai quá lớn đang gây áp lực lên quỹ cứu trợ thiên tai của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) trong năm nay. Ông Deanne Criswell từ Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) thậm chí đã cảnh báo loại quỹ này sẽ chìm trong sắc đỏ vào tháng này nếu không được bổ sung.

Đại diện phát ngôn của FEMA cũng cho biết Nhà Trắng ban đầu đã đề nghị Quốc hội cấp thêm 12 tỷ USD để bổ sung vào quỹ ứng phó với thiên tai nhưng sau đó tiếp tục tăng thêm 4 tỷ USD do "thảm họa liên tục trên khắp đất nước".

Ông Criswell cho rằng FEMA không chỉ đối phó với những thảm họa thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè mà còn phải giải quyết với những vấn đề này trong suốt cả năm.

"Đây là hoạt động quanh năm mà chúng tôi chưa từng làm trước đây", ông Criswell nói.

Gần đây, FEMA cũng đã công bố khoản tài trợ trị giá 3 tỷ USD về khả năng phục hồi khí hậu, được tài trợ bởi luật cơ sở hạ tầng nhằm giúp các cộng đồng khác nhau có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cơn bão mạnh hơn, nước lũ dâng cao và cháy rừng.

Ông Cleetus khẳng định khi chi phí của thảm họa tiếp tục gia tăng, các nhà lập pháp cần chi nhiều hơn để giúp xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn trước tác động của thời tiết khắc nghiệt, bao gồm những cơn bão mạnh hơn và nắng nóng gay gắt hơn.

"Những dạng tình huống thảm họa thiên tai thảm khốc này có thể xảy ra năm này qua năm khác khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Là một quốc gia, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào việc ứng phó trước các thảm họa và đầu tư vào khả năng phục hồi để bảo vệ con người và cơ sở hạ tầng tốt hơn, chứ không chỉ thu dọn hậu quả sau thảm họa", ông Cleetus nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/so-luong-tham-hoa-thoi-tiet-tai-my-vuot-ky-luc-trong-nam-nay-20230912100651993.htm