Sợ chủ nhà viện cớ tăng giá, khi giá điện tăng!

Trước thông tin Bộ Công Thương đang đề xuất biểu giá điện sinh hoạt chỉ còn 5 bậc thang thay vì 6 bậc như hiện hành, nhiều công nhân lao động, đặc biệt là những công nhân đang thuê trọ đã bày tỏ nỗi lo chủ nhà trọ sẽ viện cớ này để tăng giá điện, giá nhà. Nếu như thế họ sẽ tiếp tục phải thắt chặt chi tiêu và cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn.

Nếu chủ nhà trọ tiếp tục tăng giá điện, cuộc sống của công nhân sẽ càng khó khăn hơn (Ảnh Mai Quý)

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc, đồng thời, đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (từ 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên. Với phương án này, toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Trước thông tin trên, nhiều công nhân lao động, đặc biệt là những công nhân đang thuê trọ đã bày tỏ nỗi lo chủ nhà trọ sẽ viện cớ này để tăng giá điện. Trong khi đó, nhiều công nhân thuê trọ vẫn đang phải chịu mức giá điện cao hơn giá quy định của Nhà nước, nếu chủ nhà tiếp tục tăng giá điện, họ sẽ lại phải thắt chặt chi tiêu và cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Chị Vũ Thị Quyên, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ, hiện tại gia đình tôi đang đang thuê trọ tại Thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Từ trước đến nay, chủ nhà trọ áp giá điện 3.000 đồng/số điện cho công nhân thuê trọ. Mặc dù biết mức giá này cao hơn giá Nhà nước quy định nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Tính ra, trung bình mỗi tháng tôi phải trả 500.000 đồng tiền điện, có những tháng cao điểm tiền điện lên đến 700.000 đồng. Nhiều khi chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, trả xong tiền điện chẳng khác nào vừa thanh toán tiền phòng vì căn phòng tôi thuê trọ cũng chỉ có 800.000 đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Thùy, công nhân đang ở trọ tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi đang ở trọ với một bạn ở cùng quê và làm cùng công ty, khi xuống khu công nghiệp Thăng Long làm việc, do phòng trọ chật chội nên chúng tôi mua bếp điện từ về để nấu nướng cho tiện. Với giá điện mà chủ nhà trọ tính là 3.500 đồng/số điện, bình thường một tháng chúng tôi phải trả cả tiền nhà, điện, nước, mạng Internet trung bình 1.700.000 đồng. Sắp tới, vào mùa nắng nóng, chúng tôi sử dụng thêm các thiết bị điện nữa thì chắc chắn tiền điện sẽ lại tăng lên. Lúc đó, chúng tôi buộc phải cân đối chi tiêu các khoản khác để làm sao vẫn đảm bảo được cuộc sống và sức khỏe để lao động sản xuất. Nhưng nếu giá điện cao quá, chúng tôi sẽ chuyển chỗ trọ để giảm bớt chi phí”.

Còn chị Trần Thị Lụa, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, hiện đang thuê trọ tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết: “Gia đình tôi thuê trọ ở đây đã hơn 10 năm với mức giá là 1.100.000 đồng/tháng, hàng tháng chúng tôi đều phải trả 3.500 đồng/số điện. Mỗi tháng, gia đình tôi phải chi trả khoảng 700.000 đồng tiền điện, có tháng tiền điện còn lên đến 1 triệu đồng, xấp xỉ tiền phòng. Tôi đã có ý kiến với chủ nhà trọ về việc thu tiền điện giá cao và đưa dẫn chứng về việc Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát thu giá điện của các chủ trọ và xử lý nghiêm các chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định nhưng chủ nhà trọ lại lờ đi và còn muốn thu tiền điện cao hơn”.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà trọ thu tiền giá cao hơn so với quy định, tại Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

“Qua tìm hiểu thông tin, tôi được biết, nếu áp dụng biểu giá điện theo phương án 5 bậc thang của Bộ Công Thương đề xuất thì những hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh sẽ có mức tiền điện không tăng hoặc giảm. Nhưng điều tôi lo lắng là chủ nhà trọ sẽ viện cớ này để tăng tiền giá điện thu của công nhân thuê trọ.

Công nhân lao động chúng tôi làm việc quần quật mới kiếm được đồng lương để lo trang trải cuộc sống và phải chắt bóp chi tiêu để có được đồng tiền tiết kiệm, nếu chủ nhà tiếp tục tăng giá điện, chúng tôi sẽ lại phải thắt chặt chi tiêu và cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Mong rằng các cấp chính quyền cùng các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt để kiểm tra, giám sát thu giá điện của các chủ trọ và xử lý nghiêm các chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định. Qua đó, đảm bảo cho công nhân thuê trọ chúng tôi được hưởng giá điện theo đúng quy định của Nhà nước” – chị Lụa bày tỏ.

Cùng chung mong muốn như chị Lụa và nhiều công nhân khác, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Tôi được biết, hiện Nhà nước đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà trọ thu tiền giá cao hơn so với quy định.

Cụ thể, tại Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

Tôi mong rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý triệt để những chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định để đảm bảo cho công nhân lao động thuê trọ được đóng tiền điện theo giá quy định Nhà nước. Nhờ đó, chúng tôi sẽ bớt được một gánh lo trong cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất”.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/so-chu-nha-vien-co-tang-gia-khi-gia-dien-tang-104173.html