Số ca mắc COVID-19 trên thế giới vượt ngưỡng 17 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 30/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 17.170.421 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 669.225 ca tử vong. Số ca bình phục là 10.673.736 ca. Hiện số ca đang trong tình trạng nguy kịch chiếm 1% tổng số ca nhiễm.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 4.567.168 ca bệnh và 153.701 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 66.391 ca mắc và 1.410 ca tử vong.

Một báo cáo liên bang công bố trên tờ The New York Times xác định dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến đặc biệt nghiêm trọng tại 21 bang với mức độ Chính phủ ban bố "vùng đỏ"- có tỉ lệ ca mắc là hơn 100 ca/100.000 người trong tuần kết thúc ngày 24/7. Hiện Vermont là bang duy nhất nằm trong "vùng xanh" với số ca mắc ít hơn 10 ca/100.000 người. 28 bang còn lại đều nằm trong "vùng vàng".

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh nêu trên, chính quyền các bang và thành phố của Mỹ đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh lây lan. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 29/7 thông báo các nghị sĩ và nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang tại Hạ viện.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại một số bang của Mỹ cùng với việc gia hạn các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã bắt đầu ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Ngày 29/7, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.595 ca tử vong do COVID-19. Đây là con số kỷ lục trong 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ này.

Số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở Brazil cũng là con số cao nhất kể từ đầu dịch đến nay, với 69.074 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 2.552.265 người. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn nhận định con số này vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều do hệ thống y tế Brazil hiện không thể thực hiện xét nghiệm cho mọi trường hợp nghi nhiễm.

Dù là quốc gia có số ca mắc cao thứ 2 thế giới, song chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không triển khai các biện pháp đối phó quyết liêt với lý do có thể gây sụp đổ nền kinh tế. Các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện một cách không đồng bộ tùy thuộc vào quyết định của chính quyền từng địa phương và luôn gây ra tranh cãi gay gắt.

Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, với 4.127.085 trường hợp, trong đó hơn 94.024 ca tử vong.

Tại châu Á, Ấn Độ - nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thứ 3 thế giới, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 52.249 ca mắc và 779 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại Ấn Độ lần lượt là 1.584.384 ca và 35.003 ca.

Nhật Bản ngày 29/7 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày vượt 1.000 ca kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 vừa qua. Diễn biến này làm dấy lên quan ngại về sự lan rộng của dịch bệnh ở các địa phương khác ngoài thủ đô Tokyo.

Hiện thủ đô Tokyo vẫn tiếp tục là "điểm nóng" của dịch COVID-19, với 250 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, giảm 16 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền thủ đô đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất.

Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 34.000 ca nhiễm trên cả nước, trong đó có hơn 1.000 người tử vong.

Tại châu Âu, Nga vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất - 828.990 ca, với 13.673 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5.475 ca nhiễm và 169 ca tử vong.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/7 cho rằng diễn biến dịch COVID-19 ở nước này đã ổn định song cảnh báo tình hình vẫn khó khăn và có thể nhanh chóng xấu đi.

Liên minh châu Âu (EU) đã dành ra tới 45 triệu euro (tức 53 triệu USD) nhằm tăng cường thu thập huyết tương từ những người đã khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho những người đang mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Động thái trên cho thấy EU ngày càng tin tưởng vào liệu pháp điều trị bằng huyết tương, vốn đang áp dụng trong các bệnh viện để truyền trực tiếp cho các ca bệnh nặng và đang được thử nghiệm để phát triển thành thuốc điều trị COVID-19.

Trước lo ngại dịch COVID-19 tái bùng phát và có khả năng nghiêm trọng hơn khi virus SARS-CoV-2 đã biến thể trong khi vaccine phòng bệnh chưa có, một số nước tiếp tục kéo dài hoặc tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sau thời gian nới lỏng.

Hạ viện Italy ngày 29/7 đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Giuseppe Conte về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 cho đến ngày 15/10 tới. Đề xuất này cũng đã được Thượng viện thông qua một ngày trước đó.

Từng là một trong số các "điểm nóng" đại dịch COVID-19 lớn nhất trên thế giới vào tháng 3 năm nay, Italy hiện được cho đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh này. Số ca tử vong đã giảm khá mạnh. Số ca nhiễm mới cũng đang có chiều hướng giảm, khoảng 150-250 ca mỗi ngày. Một số chuyên gia sở tại đánh giá thành công của Italy trong kiềm chế dịch COVID-19 là nhờ mức độ tuân thủ khá tốt các biện pháp giãn cách xã hội của người dân.

Thủ tướng Conte đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 6 tháng tại Italy kể từ ngày 31/1 năm nay sau khi ghi nhận 2 ca đầu tiên mắc COVID-19 ở thủ đô Rome.

Tại châu Phi, Nam Phi là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong cao nhất do COVID-19 (471.123 ca nhiễm và 7.497 ca tử vong).

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/so-ca-mac-covid19-tren-the-gioi-vuot-nguong-17-trieu/402471.vgp