Sinh kế giảm nghèo bền vững

Sau 3 năm thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 93.664 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ đất ở; 107.827 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Tuy nhiên, còn 381.293 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng vẫn đang trông đợi được xét và phân bổ đất, thực sự là thách thức đối với công cuộc phát triển ở vùng DTTS và miền núi.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, mục tiêu đề ra trong Quyết định số 2085/QĐ-TTg đã không đạt được. Thậm chí, nhiều chỉ tiêu thực hiện thấp xa so với kỳ vọng, bởi, mới có 11,5% số hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn được giao đất, 10,7% số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề đất ở và đất sản xuất không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề này để chống phá, nếu không được xử lý tốt thì có thể dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị.

Qua giám sát, các đại biểu Quốc hội chỉ ra, nhiều địa phương không thể giải quyết được đất sản xuất và đất ở, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có phương án hữu hiệu để bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân.

Giải trình vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có 3 nguồn quỹ đất để cấp cho các hộ dân gồm mua lại các hộ không có nhu cầu sản xuất, quỹ đất của UBND các cấp và đất nông lâm trường.

Tuy nhiên, cần phải tính toán và cân nhắc giải pháp hỗ trợ bằng tiền, mua lại đất để cấp cho dân, vì có tình trạng người dân có đất đã bán và sau đó lại đi phá rừng để làm rẫy, riêng nhóm này thì nếu cấp bao nhiêu cũng không đủ. Mặt khác, hiện quỹ đất ở và đất sản xuất ở các vùng không còn nhiều, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hướng sang chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Đối với nguồn quỹ đất từ các nông, lâm trường quốc doanh bàn giao cho địa phương khoảng hơn 1.084.000 ha, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận mới xây dựng phương án sử dụng khoảng 15% diện tích đất (158.045 ha). Nguyên nhân do mới có 34/45 tỉnh, thành phố hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc; 38/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính.

Dẫn đến một nghịch lý là gần 1 triệu ha đất nông lâm trường hoạt động không hiệu quả đang bị bỏ ngỏ trong lúc hàng vạn hộ dân thiếu đất sản xuất. Chỉ ra sự bất cập cả trong chính sách và tổ chức thực hiện, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm quỹ đất tồn đọng rất lớn có liên quan tới việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị. Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS phải gắn với các dự án định canh, định cư; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ di dân tái định cư ở các khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống...

Rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững là người dân phải được “an cư lạc nghiệp”. Đối với vùng DTTS và miền núi, sinh kế phải gắn với chính sách giao đất, giao rừng hiệu quả, để người dân có thể được hưởng lợi cao nhất từ rừng và nâng cao đời sống.

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề bức xúc này, một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể làm “tròn vai” nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung-post435289.html