Sẽ gửi kiến nghị sửa 16 luật tới Quốc hội, Chính phủ

(TBKTSG Online) - Một bản kiến nghị về sửa đổi 16 luật nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam dự kiến sẽ được gửi lên Quốc hội, Chính phủ, và các bộ ngành trung ương vào cuối năm nay.

Tư Hoàng

Kiến nghị sửa 16 luật kinh doanh sẽ được gửi đến Quốc hội, Chính phủ - Ảnh TL.

Bản kiến nghị này tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà kinh tế, giới luật sư và doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Văn phòng Chính phủ đồng chủ trì.

Tại buổi hội thảo nhằm hoàn thiện bản kiến nghị này tổ chức ngày 2-11 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận xét, các quy định hiện hành đã tạo nền tảng pháp lý cho một thể chế kinh tế thị trường, giúp khơi thông và huy động mọi nguồn lực và sáng tạo cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh vì sự phát triển kinh tế đất nước.

Ông Huỳnh nói: “Các văn bản pháp lý này đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ cho quyền sở hữu hợp pháp về vốn, tài sản của các doanh nghiệp, nhà đầu tư được nhà nước bảo hộ, không bị quốc hữu hóa”.

Tuy nhiên, hệ thống 16 luật này đã lộ rõ nhiều bất cập, trong đó nổi bật nhất là chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, khi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư “mở” thì các luật chuyên ngành lại “đóng”, hoặc có tình trạng luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ thì quy định thông thoáng nhưng văn bản của các cơ quan cấp dưới lại siết chặt lại bằng những loại giấy phép con hay bằng những thủ tục phiền hà không đáng có, ông Huỳnh nhận xét.

Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật chưa đủ thông thoáng, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận các nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh. Ví dụ: chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa được cải thiện, gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi tiếp cận quỹ đất sạch từ các địa phương.

Một số quy định pháp luật còn phân biệt đối xử, chưa bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân trong đầu tư.

Một số quy định pháp luật thiếu minh bạch, chưa đầy đủ, thống nhất. Có nhiều lĩnh vực pháp luật còn bỏ ngỏ hoặc chưa hoàn chỉnh, như các quy định pháp luật về đầu tư công, về hợp tác công - tư, về giám sát và đánh giá hiệu quả, xác định trách nhiệm trong quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước.

Khung pháp lý còn thiếu tính nhất quán, đồng bộ và sự ổn định về cơ chế, chính sách. Các quy định được ban hành thường có tuổi thọ ngắn (trung bình từ 3-5 năm), thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung nên thiếu sự ổn định, nhất quán của cơ chế, chính sách.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc sửa đổi 16 luật này, nếu được các cơ quan nhà nước thực hiện, sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay.

16 luật và các văn bản hướng dẫn được sửa đổi bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Đầu tư, Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự, Đất đai, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quản lý thuế, Hải quan, Kiểm toán, Bộ luật Hàng hải, Xây dựng, Đấu thầu, Kinh doanh bất động sản, Bảo vệ môi trường.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/phapluat/64834/