Sáng tạo từ mạch nguồn truyền thống

Hà Nội những ngày trước thềm xuân mới 2020 đang đứng trước một cảm hứng lớn: Cảm hứng sáng tạo. Cuộc trò chuyện của Hànôịmới Cuối tuần với đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhân ngày đầu xuân bởi vậy cũng xoay quanh câu chuyện phát triển của Thành phố để tiếp nối mạch nguồn từ một Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng đến Thành phố sáng tạo với những bước chuyển trong tương lai.

- Thưa đồng chí, xin được bắt đầu cuộc trò chuyện từ một tin vui là sau 20 năm nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng, Hà Nội lại vừa chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Là một công dân của thành phố, hẳn đồng chí cũng có những cảm xúc riêng?

- Đây thực sự là sự kiện mang nhiều ý nghĩa với cá nhân tôi và tôi cũng tin rằng đó là cảm xúc chung của nhiều người dân Hà Nội. Tối 3-12, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng giúp chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển không ngừng nghỉ của Thủ đô suốt chiều dài lịch sử, nhất là trong 20 năm trở lại đây sau khi Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Cùng với đó, sự kiện này cũng mở ra cho chúng ta một chặng mới đi tới tương lai với tinh thần đặt cảm hứng thiết kế sáng tạo vào trung tâm sự phát triển bền vững của thành phố.

Hồ sơ Thành phố sáng tạo của Hà Nội trình UNESCO đã nêu rất rõ rồi: Hà Nội đang đứng trước một bước chuyển mình then chốt. Và trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới.

- Một cách khách quan, sự kiện này đã phản ánh những tiến bộ trên nhiều mặt của thành phố chúng ta trong những năm qua, thưa đồng chí?

- Đúng vậy, và như tôi đã nói ở trên, không phải ngẫu nhiên mà UNESCO trao tặng cho chúng ta danh hiệu Thành phố Vì hòa bình từ 20 năm trước, và hôm nay là Thành phố sáng tạo. Nhìn lại chặng đường lịch sử của Thủ đô suốt 1010 năm qua, chúng ta tự hào và biết ơn trước những gì mà các bậc tiền nhân gây dựng, đó là nền văn hiến Thăng Long rực rỡ và một khát vọng mạnh mẽ về hòa bình. Đặc biệt, 20 năm trở lại đây, là nhân chứng cụ thể trong tiến trình đổi mới của Thủ đô và đất nước, bản thân chúng ta đều thấy rõ, Hà Nội đã có những bước phát triển rõ nét, tiếp tục tạo được dấu ấn trước cộng đồng quốc tế, đóng góp cụ thể cho những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tôi chỉ điểm qua một vài thành tựu kinh tế - xã hội để chúng ta cùng nhận rõ điều này: 10 năm gần đây, kinh tế Thủ đô tăng trưởng bình quân 7,61%. Năm 2019, kinh tế Thủ đô được đánh giá là tiếp tục phát triển khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,62% và là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn mức tăng GDP của cả nước (6,8%). Khách du lịch đến với chúng ta nhiều hơn, trong đó khách quốc tế tăng 17%... Môi trường kinh doanh ở Thủ đô ngày càng tạo được sự hấp dẫn sau những cải thiện đáng kể. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước đến nay, hoàn thành sớm hơn 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng thuộc hàng cao nhất trong hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước...

Đây thực sự là kết quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự vào cuộc, chia sẻ, góp sức của người dân Thủ đô trong suốt những năm qua.

- Vâng, thưa đồng chí, không thể phủ nhận được rằng sự phát triển về kinh tế - xã hội đã tạo những điều kiện hết sức căn bản, một môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, con người và ngược lại, những chăm lo trực tiếp cho đời sống con người đã tạo nguồn nội lực văn hóa đưa Hà Nội liên tục bước lên những tầm cao mới?

- Chúng ta đều biết, kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa, nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về vai trò của các nhân tố văn hóa, con người trong quá trình phát triển. Xây dựng văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội. Quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa... là một trong những định hướng để Hà Nội có những bước đi vững chắc trong thời gian qua. Thành phố Hà Nội cũng luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội xét đến cùng là vì mục tiêu nâng cao đời sống, trong đó có đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

- Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là sự cụ thể hóa một cách rõ nét quan điểm trên, thưa đồng chí?

- Đúng là như vậy. Sau 10 năm thực hiện Chương trình 02, hiện nay, toàn thành phố đã có 6 huyện và 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91,9%), hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phía sau những con số này là một cuộc chuyển mình đáng kể. Đường làng sạch đẹp, ao làng trong xanh, đường có hoa, nhà có số, môi trường được cải thiện, giáo dục được chăm lo... Tất cả đều là nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân và vùng nông thôn. Điều đáng nói, làng quê Việt là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, văn hóa nông thôn là bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa cho nông thôn mới chính là kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Bởi vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm sức cho việc xây dựng đời sống văn hóa, không chỉ bằng phát huy truyền thống văn hóa vốn có, phục dựng vốn cổ mà còn làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân ở các làng, xã. Bởi vậy, nông thôn mới không chỉ làm cho diện mạo của các làng quê ở Thủ đô thay đổi, mà còn gìn giữ, phát huy hồn cốt văn hóa Việt, để chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Chương trình 04-CTr/TU là chương trình có diện bao quát rộng, có liên quan đến kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, những vấn đề được nêu ra trong Chương trình 04-CTr/TU không chỉ có ý nghĩa cơ bản, lâu dài mà còn là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Việc thực hiện chương trình tốt hay không tốt đều ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, xã hội Thủ đô. Chương trình đã được thực hiện đồng bộ, tạo sức lan tỏa từ thành phố đến cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đến nay, các chỉ tiêu của Chương trình 04-CTr/TU giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước. Nhiều mô hình xây dựng văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... đã được triển khai rộng khắp. Đặc biệt hai bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng được triển khai đã tác động vào văn hóa ứng xử và góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Văn hóa đã luôn hiện diện như một dòng chảy ngầm mạnh mẽ tạo sức mạnh mềm cho Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử và chắc chắn là sẽ tiếp tục có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Chúng ta đều biết, Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài lịch sử là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và văn hóa luôn là nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của Thủ đô. Có lẽ, không có nhiều thủ đô trên thế giới có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Hà Nội. Đến nay, thành phố của chúng ta đã có Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới, 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hà Nội còn có 17 di tích quốc gia đặc biệt, 1.165 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.382 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Hệ thống hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề tiếp tục vươn dậy với sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, những người tâm huyết với vốn văn hóa dân tộc...

Trong từng bước đi của mình, Thủ đô luôn được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn lực văn hóa phong phú, độc đáo được bồi đắp, phát huy qua quá trình lịch sử. Nhưng Hà Nội không chỉ phát triển nhờ truyền thống lịch sử mà còn lớn mạnh bằng chính sức sáng tạo của mình.

Chỉ riêng về không gian văn hóa, Hà Nội hiện là địa phương có số lượng các không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước. Các không gian sáng tạo ở Hà Nội đã thực sự tạo diện mạo, sức sống mới cho thành phố. Trên nền những giá trị truyền thống, những giá trị mới được tạo ra. Trong đó Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một ví dụ tiêu biểu. Ngoài ra còn rất nhiều không gian khác dù lớn, dù nhỏ song đều có những đóng góp đáng kể mang lại cho thành phố những giá trị sống giản dị mà sâu sắc. Rõ ràng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, không khí đổi mới, cởi mở của thành phố chính là nguồn cảm hứng quan trọng, là điều kiện cụ thể để những không gian sáng tạo nảy nở, phát triển và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống Thủ đô.

Vào thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ Kỷ Hợi và năm mới Canh Tý, tôi có một niềm tin mãnh liệt, mảnh đất nghìn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình vừa gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo sẽ hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng nội lực sáng tạo độc đáo của mình.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!

Hà chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/956063/sang-tao-tu-mach-nguon-truyen-thong