Sáng kiến phòng, chống Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Cai Lậy đã có nhiều sáng kiến để bảo vệ sức khỏe nội bộ và nhân dân đến khám, chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện.MÁY ĐO THÂN NHIỆT TỰ ĐỘNG
Việc có một thiết bị đo thân nhiệt từ xa, tránh tiếp xúc gần giữa người đo với người có nhu cầu đo thân nhiệt nhằm tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, các thiết bị đo thân nhiệt từ xa có giá khá cao, từ 300 triệu đồng đến đến 400 triệu đồng/thiết bị. Mặt khác, máy đo thân nhiệt từ xa có thể chỉ sử dụng trong mùa dịch Covid-19, nên khi dịch bệnh qua đi sẽ rất lãng phí.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhóm IT của Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy đã nghiên cứu, thiết kế đưa vào sử dụng công cụ đo thân nhiệt từ xa đặt ở vị trí ra vào tại cổng bảo vệ, đảm bảo 100% nhân viên y tế của bệnh viện không phải tiếp xúc trực tiếp với người đo thân nhiệt.
Máy đo thân nhiệt tự động được đặt tại cổng ra vào bệnh viện.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổ trưởng Tổ Công nghệ thông tin của đơn vị cho biết, chi phí lắp đặt hệ thống máy đo thân nhiệt tự động do Bệnh viện sáng tạo thấp hơn rất nhiều so với giá thành của hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa đang có trên thị trường. Hệ thống máy đo nhiệt độ tự động được tạo ra khá đơn giản, gồm: 1 nhiệt kế hồng ngoại, 1 webcam camera để đọc chỉ số đo, máy tính (laptop), loa để nhân viên y tế thông báo khi đang ở vị trí cách xa người được đo thân nhiệt.
Trước đó, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy đã đưa vào sử dụng sáng kiến mạng che mặt chống thấm cho nhân viên y tế phòng, chống dịch Covid-19 của tập thể khoa Dược. Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy Nguyễn Văn Ngưu cho biết, bệnh viện luôn tạo điều kiện cho tập thể các khoa, phòng hay cá nhân cán bộ, y, bác sĩ có những sáng kiến áp dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã sẵn sàng với mọi tình huống ứng phó với dịch bệnh: Triển khai sàng lọc khách hàng ngay khi bước vào cổng; thành lập khu vực cách ly; các khu tiếp nhận bệnh, khu hành chính, khu vực phòng bệnh, thang máy... đều trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ phòng lây nhiễm và nhân lực để thực hiện công tác tiếp nhận, điều trị khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid-19.
Do mỗi người được đo thân nhiệt có chiều cao, thấp khác nhau, nên hệ thống máy đo thân nhiệt còn được lắp thêm bộ xi lanh cơ khí để nâng hoặc hạ độ cao cho phù hợp với chiều cao của người được đo. Khi hệ thống này làm việc, nhân viên y tế sẽ ngồi ở khu vực cách xa (thông qua một tấm kính hoặc trong phòng cách ly) để điều chỉnh độ cao của máy và cập nhật nhiệt độ đo được hiện trên màn hình máy tính.
Ngoài ra, tiện lợi khi lắp đặt hệ thống máy đo thân nhiệt tự động này là có thể tận dụng được máy tính cũ hay thiết bị cũ và có sẵn của bệnh viện. Cùng với đó, một số thiết bị lắp đặt có sẵn trên thị trường nên dễ dàng tìm mua như: Webcam camera, hệ thống xi lanh nâng hoặc hạ độ cao của máy…
Việc sáng chế máy đo thân nhiệt tự động đã giúp Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy thuận lợi hơn trong việc đo thân nhiệt cho tất cả mọi người khi ra vào bệnh viện, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
THÙNG KHỬ KHUẨN TIỀN BẰNG TIA CỰC TÍM
Theo thống kê của các chuyên gia, hiện có trung bình khoảng 26.000 vi khuẩn trú ngụ trên các loại tiền giấy lưu hành. Trong khi đó, bộ phận tài chính, kế toán, nhân viên y tế của Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy thường xuyên tiếp xúc trực tiếp tiền với nhiều mệnh giá khác nhau.
Nhóm nghiên cứu của Phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy đã có sáng kiến tạo ra thùng khử khuẩn tiền bằng tia cực tím nhằm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thiết bị gồm 1 thùng giấy cứng (70 x 50 cm), 2 máng đèn, 2 bóng đèn cực tím, 1 mảnh lưới sắt cứng bằng kích thước thùng, với tổng chi phí 370.000 đồng/thùng.
Tiền được đưa vào thùng khử khuẩn.
Theo nhóm nghiên cứu, để tạo ra một thùng khử khuẩn tiền bằng tia cực tím gồm: Sử dụng băng keo gia tăng lực của mặt đáy, cạnh và các nếp gấp của thùng giấy. Thiết kế dây điện vào 2 máng đèn, lắp 2 bóng đèn cực tím vào sao cho song song với nhau. Cắt và lắp đặt mảnh lưới sắt sao cho lọt lòng thùng; chọc các lỗ xung quanh giữa thùng để buộc mảnh lưới ngăn thùng ra 2 tầng; đồng thời, thiết kế nắp đậy.
Sau đó, xếp tiền cần khử khuẩn trên tấm lưới khắp cả thùng sao cho ánh sáng tia cực tím chiếu cả vào 2 mặt của tờ tiền (bóng đáy chiếu mặt dưới, bóng nắp chiếu mặt trên). Đóng nắp thùng, bật công tắc chiếu đèn cho mỗi lần khử khuẩn khoảng 40 - 60 phút tùy theo tiền nhiều hay ít (khuyến cáo có tác dụng của tia UV với khoảng cách từ 40 đến 60 cm). Trong khi chiếu đèn khử khuẩn không được mở nắp thùng, vì tiếp xúc với tia cực tím không tốt cho con người.
Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy Lê Văn Thanh cho biết, khi thiết bị sử dụng đèn phát tia cực tím (UV-C) chiếu vào khử khuẩn sẽ khiến vi khuẩn, vi rút bị hỏng cấu trúc phân tử, không thể sinh sản hay phân chia và chết đi. Hiện tại, bệnh viện đã đưa thùng khử khuẩn tiền bằng tia cực tím vào sử dụng, góp phần hạn chế sự lây lan các nguồn bệnh cũng như phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202004/sang-kien-phong-chong-covid-19-896447/