Sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ đô thị

Ngày 14-11, tại hội nghị tổng kết 'Năm nông nghiệp 2018' do UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Văn Lý cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án 'Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp'

Ngày 14-11, tại hội nghị tổng kết “Năm nông nghiệp 2018” do UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Văn Lý cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp” với nguồn kinh phí thực hiện hơn 20,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 13,5 tỷ đồng, nhân dân đối ứng 7,2 tỷ đồng; Hòa Vang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, phù hợp với quy hoạch chung của TP, chú trọng công tác rà soát quỹ đất tại các vị trí thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; tăng cường đối thoại, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời hợp tác giải quyết...

Sản xuất rau xà-lách theo phương thức thủy canh tại nhà kính thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh).

Những sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học hay ứng dụng công nghệ cao đã trở thành “thương hiệu” của nhiều nông dân trên địa bàn huyện. Những mô hình này đều có chung một quy trình, quy chuẩn sản xuất chất lượng, với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương tự động, hệ thống điều hòa, nhà lưới, một số công nghệ canh tác hiện đại kết hợp cơ giới hóa như: Bưởi da xanh xã Hòa Ninh; Nấm chất lượng cao xã Hòa Nhơn; Gạo hữu cơ các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước; Cá nước ngọt các xã Hòa Khương, Hòa Phong; các vùng chuyên canh hoa ở Vân Dương (xã Hòa Liên), Dương Sơn (xã Hòa Châu)...

Đặc biệt là mô hình sản xuất rau trong nhà kính tại các thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh), Đông Lâm (xã Hòa Phú). Đây là 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn cả về vốn, diện tích đất canh tác và cả cơ sở hạ tầng của huyện vào thời điểm hiện nay. Theo ông Lê Mạnh Dân (thôn Trung Nghĩa), mô hình đã liên kết với các chuyên gia sản xuất rau, hoa ở tỉnh Lâm Đồng, chuyên canh tác các loại rau ăn lá, quả theo phương thức trồng cá thể và thủy canh. Mô hình này không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động mà còn từng bước chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân địa phương... Từ hiệu quả ban đầu của mô hình, xã Hòa Ninh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 10ha và bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng dược liệu sạch như đinh lăng, nghệ vàng rộng 10ha kết hợp với việc phát triển du lịch sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Đặng Phú Hành xác nhận, với định hướng mở theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ đô thị sẽ giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất. Có thể nói, Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp” không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng đất và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong canh tác.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_198246_.aspx