Sai lầm của người Anh giúp Liên Xô thành cường quốc máy bay

Ít ai ngờ rằng, huyền thoại MiG-15 của Liên Xô có nguồn gốc từ nước Anh và câu chuyện về động cơ máy bay Liên Xô lại thú vị đến như vậy.

Trong thời đại MiG-15, các máy bay chiến đấu phản lực Lockheed P-80 tối tân của Mỹ và Gloster Meteor F-3 của Anh, luôn là miếng mồi ngon cho MiG-15 của Liên Xô.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhận thấy ưu thế to lớn của máy bay phản lực, Mỹ và Liên Xô tiến hành thu thập đầy đủ các tài liệu về kỹ thuật, linh kiện máy bay Me-262 của Đức, kết hợp với công nghệ trong nước, để nhanh chóng phát triển máy bay phản lực của riêng mình.

Lực lượng không quân Liên Xô và Mỹ từng bước tiến vào thời đại máy bay phản lực. Ban đầu, Liên Xô dựa vào động cơ Junker Jumo 004 và BMW 003 của Đức để tạo ra động cơ phản lực RD-10A/20 của riêng mình. Tuy nhiên, các sản phẩm có độ tin cậy rất kém sau khi sản xuất hàng loạt.

Loạt tiêm kích phản lực Yak-15 và Yak-17 đầu tiên do động cơ yếu, nên hoạt động kém hơn so với các máy bay cánh quạt được sử dụng vào cuối Thế chiến 1. Những chiếc MiG-9 sau này cũng không làm hài lòng các nhà lãnh đạo, chỉ huy quân đội do sự cố động cơ.

Yakovlev, kỹ sư trưởng hàng không vũ trụ Liên Xô đã đề nghị với Stalin: “Công ty Roll-Royce của Anh có một động cơ Nene rất tốt. Bỏ tiền ra mua cũng được”. Nghe đề nghị trên, Stalin đã hỏi lại: “Liệu có kẻ ngốc nào đi làm điều ngu ngốc đó không? Chỉ những kẻ ngu mới bán cho chúng ta công nghệ tối mật của họ!”.

Tuy nhiên, đúng là thế giới có những kẻ ngốc thật! Vào mùa hè năm 1944, để lôi kéo đồng minh, người Anh đã trao tặng cho Liên Xô phần còn lại của một quả bom bay V-1 của Đức Quốc xã còn khá nguyên vẹn mà họ thu được. Món quà này đã mang lại cho Liên Xô bước đột phá tiến bộ trong công nghệ tên lửa.

Khi Liên Xô đề nghị mua động cơ phản lực của Anh, chính phủ của Thủ tướng Clement Richard Attlee vừa thắng cuộc trong cuộc tổng tuyển cử năm 1945 đã vui vẻ đồng ý ngay lập tức, bởi vì Anh lúc này đang rất cần tiền để tái thiết sau chiến tranh và muốn cải thiện quan hệ với Liên Xô.

Phía Anh đồng ý bán động cơ nhưng không bán bản thiết kế và giấy phép sản xuất, mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt của một số chính khách. Vào tháng 5/1946, đại diện thương mại của Liên Xô tại London đã đàm phán với Công ty Roll-Royce về việc mua động cơ phản lực và giấy phép sản xuất.

Liên Xô ngay lập tức chi tiền mua 10 động cơ Derwent và 10 động cơ Nene. Sau đó, vì cần tiền, người Anh đã bán thêm 2 lô nữa, trong đó có 55 động cơ Nene cực kỳ giá trị.

Phòng thiết kế Mikoyan sau khi tiếp nhận động cơ RD-45 đã chế tạo chiếc tiêm kích thần thánh MiG-15, làm nên niềm tự hào của Không quân Liên Xô lúc bấy giờ.

Với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hùng hậu cùng với nền tảng công nghiệp vững chắc, chỉ ít lâu sau hàng loạt động cơ sao chép “Nene-RD-45” đã ra đời hàng loạt.

Những chiếc tiêm kích tối tân MiG-15 với những tính năng ưu việt, được lắp động cơ này đã được sản xuất hàng loạt vào năm 1948. Đây được coi là một sai lầm chết người của người Anh. Nguồn ảnh: Pinterest.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/sai-lam-cua-nguoi-anh-giup-lien-xo-thanh-cuong-quoc-may-bay-1652508.html