'Gửi ba Hùng yêu thương, đã 29 ngày con chưa được ba ôm vào lòng'

Đọc những dòng đầu tiên trong bức thư ngắn của con trai, bác sĩ Thân Mạnh Hùng không khỏi xúc động khi đang phải căng mình nơi tuyến đầu chống dịch.

"Gửi ba Hùng yêu thương! Đã 29 ngày rồi, con chưa được gặp ba, chưa được ba ôm vào lòng. Con rất nhớ ba... Con rất mong dịch bệnh mau qua đi để ba cùng các bác sĩ ở bệnh viện của ba đỡ vất vả và sớm được về nhà với gia đình...".

Đó là bức thư bé Thân Gia Hưng gửi tới ba là tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), được viết nắn nót trong cuốn vở ô li nhỏ.

Thời điểm bức thư đến tay bác sĩ Hùng cũng là quãng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến giữa ngành y tế Việt Nam và dịch bệnh Covid-19. Ông cùng các đồng nghiệp đang ngày đêm nỗ lực nhằm giữ lại mạng sống của những người không may nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế và ban lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Hùng cùng đội ngũ nhân viên y tế khoa Cấp cứu mang trọng trách điều trị những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, sau đó là hàng loạt bệnh nhân có diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ để lại nhiều cảm xúc nhất với bác sĩ Hùng là chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về với 120 trường hợp có kết quả gửi về dương tính với SARS-CoV-2.

Khó khăn, mệt mỏi nhưng chưa từng từ bỏ

Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 tại TP.HCM là người đàn ông 66 tuổi từ Vũ Hán (Trung Quốc) và con trai. Một tuần sau, 3 người có yếu tố dịch tễ liên quan được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19. Hai người trong số này được chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

 Bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ về khoảng thời gian đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Toàn.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ về khoảng thời gian đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Toàn.

Thời điểm đó, khoa Cấp cứu với sự chỉ đạo của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (hiện là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện) và bác sĩ Thân Mạnh Hùng, là đơn vị tiếp nhận cũng như trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân này.

“Trải qua hơn một năm chống dịch, tôi nghĩ đó là giai đoạn khó khăn và áp lực nhất với bản thân cùng các đồng nghiệp. Không phải nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi lo lắng vì kiến thức của mình và hiểu biết chung về loại virus này chưa nhiều. Khi đó, bệnh chỉ đang khu trú ở Vũ Hán, Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận thông tin về căn bệnh này thông qua báo cáo của đồng nghiệp tại đó và một số tạp chí y khoa uy tín”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Virus mới, các thông tin về sinh học, căn nguyên của bệnh, độc lực, khả năng lây nhiễm hay phương pháp điều trị đều chưa được ghi nhận trong các tài liệu y khoa. Nếu có, số lượng cũng rất nhỏ. Việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam lúc này chỉ dựa trên phần lớn là kinh nghiệm của bác sĩ.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhớ lại: “Khi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, ngoài tìm hiểu các bài báo, phác đồ điều trị của Trung Quốc, tôi cũng phải tự mày mò, ứng dụng kinh nghiệm của bản thân. May mắn, kinh nghiệm trong quá trình chống dịch SARS năm 2003 đã giúp chúng tôi rất nhiều khi điều trị và dự phòng lây nhiễm với virus SARS-CoV-2”.

Dù mệt mỏi và khó khăn, các nhân viên y tế vẫn nỗ lực hàng ngày để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Phạm Thắng.

Tới giai đoạn 2 của dịch, virus xâm nhập vào Việt Nam qua những bệnh nhân trở về từ các nước trên thế giới, Covid-19 lúc này đã bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, thủ đô Hà Nội ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Lúc này, chúng ta đã giải được trình tự gene của virus SARS-CoV-2, kiến thức và thông tin về căn bệnh này cũng phổ biến hơn trước. Tuy nhiên, các ca bệnh thời điểm này nhìn chung có diễn biến nặng hơn giai đoạn đầu, bệnh nhân đa phần là người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền khiến tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng.

“Tôi còn nhớ khoa Cấp cứu khi đó điều trị tích cực cho 2 vợ chồng là bệnh nhân mang quốc tịch Anh. Hai bệnh nhân này đều đã lớn tuổi và mắc các bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường, đặc biệt, sức khỏe của người chồng khi đó rất nặng nề”, bác sĩ Hùng nói.

Phó trưởng khoa Cấp cứu đánh giá thời điểm này mang tới sự căng thẳng theo cách khác. Thời gian đầu, các bác sĩ chịu nhiều áp lực vì chưa nắm rõ đối thủ của mình. Ở giai đoạn sau, họ lại căng thẳng vì phải vận dụng nhiều kinh nghiệm thực tế trong điều trị bệnh nhân hồi sức.

“Mệt mỏi là điều có xảy ra. Khác việc chăm sóc bệnh nhân hồi sức thông thường, các bác sĩ có thể mặc áo blu, đeo khẩu trang y tế và nghỉ ngơi, uống ngụm nước, ăn nhẹ sau khi hoàn thành các thao tác cần thiết, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 buộc đội ngũ y tế phải trang bị phòng hộ rất kín. Lúc này, các thao tác y khoa như lấy ven, nghe nhịp tim…, trở nên rất khó khăn. Bên cạnh đó, với đặc thù và tính chất lây lan của virus, chúng tôi phải theo dõi, điều trị bệnh nhân liên tục 4-5 tiếng trong trang phục bảo hộ tại bệnh phòng, hạn chế ăn uống, đi lại”, bác sĩ Hùng nhận định.

Bác sĩ Hùng (áo tím than) cùng các nhân viên y tế, phi hành đoàn trong chuyến bay lịch sử. Ảnh: Việt Linh.

8h ngày 28/7/2020, chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo cất cánh. Bốn nhân viên y tế của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, trong đó có bác sĩ Hùng, được phân công phụ trách y tế trong suốt hành trình. Đây là chuyến bay chưa từng có trong lịch sử, qua hơn 11 quốc gia với số lượng bệnh nhân lớn (120 người dương tính với SARS-CoV-2 theo danh sách gửi về), nguy cơ lây nhiễm cao cùng những vấn đề tiềm ẩn bên ngoài máy bay.

“Với kinh nghiệm cấp cứu gần 15 năm, tôi rất tự tin khi làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, môi trường máy bay là hoàn toàn khác. Thời điểm đó, nỗi lo lớn nhất là không hoàn thành được nhiệm vụ”, bác sĩ này khẳng định.

Tuy nhiên, sau tất cả khó khăn đó, đội ngũ y tế với sự hỗ trợ và ủng hộ từ lãnh đạo, niềm tin của nhân dân, chưa bao giờ từ bỏ và vẫn đang ngày đêm chăm sóc người bệnh, hy vọng cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh. Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã điều trị khỏi cho gần 2.000 bệnh nhân Covid-19.

“Với gia đình, tôi cố gắng nói về mọi thứ nhẹ nhàng hơn”

Do tính chất của virus SARS-CoV-2 và yêu cầu phòng dịch, nhân viên y tế sau khi điều trị, tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân Covid-19 cũng phải cách ly 14-21 ngày. Ngoài ra, với số lượng bệnh nhân và tình hình dịch bệnh phức tạp, họ thường phải ở lại bệnh viện trong một khoảng thời gian khá dài, có thời điểm lên tới 3 tháng liên tục.

Khoảng thời gian này còn trở nên dài hơn với những người thân, gia đình của các bác sĩ, điều dưỡng. Ngoài nỗi nhớ, đó là sự lo lắng khó diễn tả hết bằng lời khi người chồng, người cha của mình đang đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh mỗi ngày.

“Bác sĩ hay bất kỳ ai cũng có phần con và phần người trong mình. Dù đã quá quen với áp lực công việc, tôi từng rất xúc động, nghẹn ngào khi đọc được bức thư viết tay của con trai ở nhà. Nó là đứa rất tình cảm nhưng tôi không khỏi bất ngờ trước những lời lẽ đó”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bức thư viết tay của con trai gửi bố sau chuỗi ngày dài bác sĩ Hùng phải ở lại bệnh viện. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ này cho hay khi có cơ hội ở nhà với gia đình, nhận thấy được sự lo lắng từ vợ, bố mẹ, các con và người thân, ông luôn cố gắng để động viên, ổn định lâm lý của mọi người, tránh nhắc đến những nguy cơ quá lớn, đồng thời khiến mọi việc nhẹ nhàng hơn.

Dù vậy, bản thân các y bác sĩ vẫn hiểu rõ những mối nguy hiểm mà mình phải đối mặt. Đặc biệt, trước chuyến bay sang Guinea Xích Đạo, bác sĩ Hùng tiết lộ một trong 4 nhân viên y tế đã chuẩn bị tinh thần, soạn sẵn một bản di chúc cho vợ và các con nếu xảy ra bất trắc.

“Tôi nghĩ hành động đó cho thấy con người ta có thể đánh đổi sự sống của mình vì nhiệm vụ. Như thời chiến tranh, người đi sẵn sàng hy sinh, bất chấp gian khổ vì một lý tưởng nào đó, không phải tiền hay danh vọng. Đó là thứ rất đáng chân quý, khó có thể chỉ mặt vạch tên”, ông nhận định.

Trong cuộc chiến với Covid-19, mỗi y bác sĩ đều là một anh hùng. Ảnh: Việt Linh.

Phó trưởng khoa Cấp cứu cũng chia sẻ thời điểm dịch lên cao trào, lãnh đạo bệnh viện từng yêu cầu 100% nhân viên, ban giám đốc khoa, phòng ở lại, họp trực tuyến toàn bệnh viện lúc 22h để phục vụ công tác chống dịch.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng nói: “Tôi nhớ mãi hình ảnh đó. Khi ấy, tôi nghĩ mỗi cá nhân trong bệnh viện đều là một anh hùng nhỏ theo góc độ nhất định. Họ hy sinh cuộc sống của mình và sẵn sàng đối diện với hiểm nguy vì công cuộc chống dịch của cả nước”.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), xin chúc bác sĩ cùng toàn thể đội ngũ y tế bình an và luôn vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch!

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gui-ba-hung-yeu-thuong-da-29-ngay-con-chua-duoc-ba-om-vao-long-post1187457.html