Quyết liệt phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Vụ sản xuất đông xuân 2019-2020, tỉnh Quảng Trị gieo trồng được hơn 25 nghìn ha lúa và màu, đến nay các cây trồng sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức về tình hình sâu bệnh có hại, nguy cơ thiếu nước tưới phục vụ sản xuất… Để rõ hơn về quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của ngành, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông TRẦN THANH HIỀN, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.

-Thưa ông! Thời tiết sau Tết Nguyên đán 2020 đang tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Xin ông cho biết những chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các địa phương ứng phó, phòng trừ sâu bệnh như thế nào?

-Vụ sản xuất đông xuân (SXĐX) 2019-2020 thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng phát triển, đồng thời cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại. Trên cây lúa, chuột, ốc bươu vàng đã gây hại nhiều nơi. Bệnh đạo ôn bắt đầu phát sinh gây hại ở Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh với tỉ lệ hại phổ biến 5-10%, nơi cao 20-25%. Trên cây ngô sâu keo mùa thu gây hại nhiều vùng với diện tích nhiễm 135 ha. Đây là đối tượng dịch hại mới phát sinh từ năm 2019 ở tỉnh ta. Trên cây sắn bệnh khảm lá vi rút lần đầu tiên xuất hiện ở địa bàn Quảng Trị, gây hại với diện tích 240 ha. Bệnh hại này xảy ra trên giống KM 94, KM 140 tập trung ở xã Hải Chánh, Hải Tân huyện Hải Lăng; xã Hải Lệ của thị xã Quảng Trị và gây hại rải rác một số nơi. Với tình hình thời tiết trời âm u, gió mùa đông bắc như hiện nay sẽ là điều kiện cho bệnh lây lan trên diện rộng nếu không phòng trừ kịp thời.

Để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân (SXĐX) đạt kết quả tốt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác điều tra, kiểm tra, vận động nông dân tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi bệnh mới xuất hiện. Tăng cường cán bộ phối hợp với các địa phương chủ động điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, bệnh đạo ôn… để giám định và hướng dẫn phòng trừ ngay. Đặc biệt chú trọng hơn nữa công tác kiểm dịch thực vật, không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống sắn từ các địa phương đang có dịch bệnh về gieo trồng tại địa phương chưa bị bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Chi cục TT&BVTV tăng cường công tác thông tin, xây dựng chuyên mục BVTV tuyên truyền trên sóng truyền hình tỉnh. Đề nghị Đài Phát thanhTruyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và Đài truyền thanh các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của sâu bệnh và các biện pháp phòng chống cho người sản xuất để chủ động phòng trừ hiệu quả.

-Năm nay thời tiết tiếp tục khô hạn dẫn đến lượng mưa ít, các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tích trữ không đủ lượng nước cần thiết. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT có phương án như thế nào nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân và hè thu?

-Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các tháng đầu năm 2020 nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5 - 1,5 độ C. Lượng mưa từ tháng 2-6/2020 phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng tháng 4 thấp hơn TBNN từ 10 - 25%. Vì vậy nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương, đơn vị xây dựng phương án chống hạn và thực hiện ngay từ đầu vụ. Thực hiện đồng bộ phương án tổ chức sản xuất đã được UBND tỉnh Quảng Trị ban hành (số 6002/PA-UBND ngày 27/12/2019), trong đó chú trọng một số giải pháp sau:

 Nông dân Gio Linh tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh hại lúa. Ảnh: Tú Linh

Nông dân Gio Linh tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh hại lúa. Ảnh: Tú Linh

Huy động tối đa các nguồn lực hiện có của các địa phương, đơn vị, nhân dân để cùng phối hợp ứng phó với khô hạn. Tận dụng tối đa lượng nước ở các ao, hồ, sông, suối để bơm tưới, chỉ sử dụng nước ở các hồ chứa khi thực sự cần thiết. Áp dụng biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ và tưới vụ đông xuân, tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết và cho vụ hè thu. Chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết. Quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn, không để mặn xâm nhập nội đồng làm ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất. Nạo vét các hói tiêu, trục tiêu... để tạo nguồn cho các trạm bơm lẻ tưới hỗ trợ. Những vùng có nguồn nước và gần nguồn điện sẽ đầu tư xây dựng thêm các trạm bơm điện để bơm tưới chống hạn trước mắt và lâu dài.

Ngoài ra nhằm thực hiện Chỉ thị số 04/CTTTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hiện nay Sở NN &PTNT đang xây dựng dự thảo lấy ý kiến các địa phương, đơn vị liên quan trước khi trình UBND tỉnh Quảng Trị ban hành trong thời gian tới.

-Để tránh trình trạng “dịch chồng dịch”, ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát và nguy cơ lây sang người trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ông có thể cho biết tỉnh Quảng Trị thực hiện Quyết định số 172 ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” như thế nào?

-Thực hiện quyết định 172 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/2/2019 UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm (CGC) trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Trên cơ sở đó sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng Dự thảo và lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ngày 8/5/2019, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1302/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025.

Mới đây, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh CGC, trong đó tập trung vào các nội dung:

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại địa phương tới từng hộ chăn nuôi, từng cơ sở buôn bán vận chuyển và các chợ. Yêu cầu mọi người dân tự giác thực hiện không giấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác chết bừa bãi. Các địa phương căn cứ Kế hoạch số 1302 ngày 8/5/2019 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 5786 ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, vật lực chủ động ứng phó kịp thời, không để dịch xảy ra và lây lan ra diện rộng.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Triển khai tốt công tác tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm trong diện tiêm ngay khi có vắc xin. Có biện pháp đối với các chủ chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đối với trường hợp nuôi mới gia cầm không thực hiện đăng ký và không tiêm phòng vắc xin CGC nếu mắc bệnh cương quyết tiêu hủy và không hỗ trợ.

Tổ chức, thực hiện tốt tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2020 trên địa bàn, kết thúc trước ngày 10/3/2020, trong đó chú trọng tại các điểm bán gia cầm, lò giết mổ gia cầm, các ổ dịch cũ; phát động nhân dân tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trong gia đình, thôn, xóm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định sớm cung ứng kịp thời vắc xin H5N1 để tiêm phòng bệnh CGC; đồng thời ngay khi có thông tin dịch bệnh trên đàn gia cầm phải khẩn trương kiểm tra, xác minh, lấy mẫu gửi xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và triển khai các biện pháp phòng chống dịch CGC theo quy định của Luật Thú y.

-Xin cảm ơn ông!

Tuệ Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146150