Quyền lực của người thợ

Thợ điện là những người 'hiện đại' sớm hơn cả trong số các thị dân Hà Nội. Và họ cũng là những người tiếp xúc với phương tiện máy móc tân tiến đầu tiên trong số các công nhân đô thị.

Ở vào thời cuộc sống người Việt lấy nông nghiệp làm trọng, những phương thức công nghiệp hãy còn sơ khai, việc vận hành mạng lưới đường điện hữu hình để truyền tải một thứ vô hình như dòng điện tưởng như quá xa vời. Việc truyền đạt và tiếp nhận kiến thức về điện bắt đầu từ các trường kỹ nghệ nhằm tạo nhân lực cho các nhà máy điện.

Điều khá ngạc nhiên là tài liệu đào tạo cho công nhân ngành điện lại xuất hiện khá muộn trong khi Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội đã thành lập từ năm 1898, có dạy thực hành cơ khí trong chương trình học. Phần lý thuyết được nhận xét là “hạn chế hơn so với thực hành” (theo Đào Thị Diến, Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hà Nội thời Pháp thuộc, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 11.2012). Khả năng cao là lý thuyết về điện không được chuyên sâu, nhất là vào 3 thập niên đầu của trường này, số học sinh bỏ học rất nhiều, do “phần nhiều học trò vào học tại tràng kỹ nghệ ở Hà Nội đều là học trò cũ của các tràng Pháp - Việt.

Vả lại khi ở trong nhà tràng chỉ học cho hiểu biết mà thôi, mà trong chí đã định ra làm thông ngôn, thư ký các sở Nhà nước hơn là đi làm kỹ nghệ” (Journal officiel en caractères et en quoc ngu, số 171, 10.9.1911, dẫn theo Đào Thị Diến), tức học trường kỹ nghệ ra chỉ có thể thành thợ, điều vẫn bị đánh giá thấp.

Để khắc phục điều này, một trong những người Việt sớm có chủ trương làm sách dạy nghề điện bằng chữ quốc ngữ là ông Nguyễn Hữu Thăng, giáo sư Trường Kỹ nghệ Hà Nội, nguyên đốc công Nhà máy Điện Cửa Cấm (Hải Phòng):

Từ năm 1929, trong khi tôi còn làm đốc công tại nhà máy điện trong xưởng Cửa Cấm (Hải Phòng), tôi đã để tâm soạn những sách thuộc về cơ khí chuyên môn bằng quốc văn. Hàng ngày được gần gũi anh em thợ thuyền tôi nhận thấy rằng phần đông anh em có khiếu thông minh và tài thực hành, chỉ vì thiếu học mà đành chịu thiệt thòi, suốt đời đứng ở một địa vị thấp kém và buồn tủi. Tôi thành thực tin rằng anh em thợ thuyền trong các xưởng máy nếu được hấp thụ chút ít khoa học cơ khí thì sẽ đủ lực trau dồi thêm tài nghệ và sẽ giành giật được một số phận khả quan hơn hiện tại.

Đoạn giãi bày của ông Thăng cho thấy ngoài việc thân phận công nhân điện không được đánh giá cao thì việc đào tạo họ trước giờ vẫn mang tính “chỉ tay đặt việc” hơn là có nền tảng lý thuyết hoàn chỉnh. Phải mất 10 năm, dự định của ông Thăng mới thành hiện thực khi ông cho xuất bản cuốn Điện một chiều và sau đó là cuốn Điện xoay chiều cùng một số sách về máy phát điện và cơ khí liên quan ngành điện. Các sách này có lẽ là thành quả gắn liền với việc cộng đồng cựu học sinh đã khá đông đảo; thêm vào đó, những cơ quan ngôn luận như tờ báo Kỹ nghệ ra đời, do chính ông Nguyễn Hữu Thăng đảm nhiệm.

Nhóm này đã rất thực tế khi đề xuất nâng cao trình độ cho anh em lao động bằng những cách:

- Soạn và xuất bản những sách thuộc về cơ khí và điện khí bằng chữ quốc ngữ.

- Mở những ban chuyên nghiệp dạy tối không lấy tiền.

- Tổ chức mỗi năm vài cuộc nói chuyện về các vấn đề kỹ nghệ.

Trong lời nói đầu cuốn sách đầu tiên do Chi nhánh Hà Nội của Hội Ái hữu Cựu học sinh các trường kỹ nghệ Bắc kỳ ấn hành, Nguyễn Hữu Thăng viết: “... tôi vẫn hoài bão viết các khoa cơ khí và điện khí bằng quốc văn cho phổ cập đến phần đông anh em lao động. Quyển điện khí này ra đời để giúp anh em thợ thuyền trong xưởng máy được hiểu biết những tại sao trong nghề điện. Tôi dùng những lối tính toán rất thông thường để người nào chỉ biết võ vẽ có bốn phép tính cũng có thể hiểu được” (Điện một chiều, 1939).

Ông cũng dành lời đề tặng cho hai kỹ sư Pháp là hai thầy học cũ.

Tiền thu từ cuốn thứ nhất đã đủ để in tiếp cuốn thứ hai nửa năm sau đó là Điện xoay chiều và 4 năm sau là Máy phát điện xoay chiều (viết cùng một giáo viên khác là Nguyễn Văn Quýnh). Nhuận bút được tác giả ủng hộ cho Hội Ái hữu Cựu học sinh các trường kỹ nghệ Bắc kỳ để mở các lớp học tối miễn phí và lập thư viện sách cho anh em lao động cựu học sinh trường này.

Bìa các cuốn sách dạy về điện của Nguyễn Hữu Thăng, 1939 - 1942.

Bìa các cuốn sách dạy về điện của Nguyễn Hữu Thăng, 1939 - 1942.

Một bài giới thiệu cuốn Điện một chiều đã dành lời ca ngợi: “Có phần lại còn dễ hiểu hơn nữa vì trong quyển Điện một chiều, tác giả đã khéo so sánh điện với nước và giảng bằng thí nghiệm một cách rất tinh vi. Hơn thế nữa, vì quyển sách đó đã viết bằng tiếng “mẹ đẻ” (Sách mới, báo Thời vụ, 9.6.1939). Cuốn sách thứ ba có dòng chữ “Tủ sách của lao công”, có thêm một bảng danh mục từ tương đương, chuyển ngữ hoặc phiên âm các thuật ngữ hay tên gọi các thiết bị điện. Đây chính là điều được bài báo ca ngợi vì đã tránh dùng “chữ Nho” khó hiểu, tức từ Hán Việt. Điều này rất đáng chú ý vì có trước khi cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn ra đời năm 1942. Nhiều từ ngày nay vẫn còn dùng như “cắt điện”, “đấu nối tiếp”, “dòng điện”, “mát”…

Tờ báo Kỹ nghệ cũng được quảng bá ra đến 60 số trong ba năm 1940 - 1942, cho thấy sự duy trì bền bỉ của một hệ sinh thái thông tin tri thức.

Có thể nói việc tạo ra một hệ thống văn bản sách học dễ tiếp thu và đầy tính động viên người học là điều chúng ta phải ghi nhận ở những người thầy tiên phong trong việc truyền bá kiến thức khoa học và kỹ thuật cách đây gần chín mươi năm. Nó gợi cho chúng ta suy nghĩ về cách người Việt đã tìm cách nâng đỡ đồng bào của mình chinh phục công cụ lao động trong những kỹ nghệ xa lạ, ở đây cụ thể là ngành điện.

*

Năm 1955, trên chính cơ sở cũ của Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội thời Pháp ở số 2F Quang Trung, Trường Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội được thành lập, đào tạo 50 học sinh hệ trung cấp và 50 học sinh hệ công nhân ngành điện, cùng nhiều ngành liên quan khác. Cuối năm 1959, lứa sinh viên đầu tiên ngành phát dẫn điện Trường Đại học Bách khoa mới tốt nghiệp. Sáu năm sau, Trường Trung học kỹ thuật Điện ra đời, đánh dấu mốc hình thành cơ sở đào tạo nhân lực chuyên môn riêng về điện đầu tiên ở Việt Nam, tức hai thập niên rưỡi sau khi những cuốn sách đầu tiên dạy về điện bằng chữ quốc ngữ ra đời.

Thông điệp về vị thế người thợ lúc này đã thay đổi so với trước, đặt trong bối cảnh giai cấp công nhân được đưa lên hàng đầu trong cuộc kiến thiết đất nước. Cho dù vậy, họ vẫn là những người lao động vất vả với những tư duy mộc mạc trong nhân sinh quan không nhiều khác biệt so với thời trước. Chẳng hạn có thể đọc qua những bài ca dao mới của tác giả Nguyễn Ngọc Khoa (tập ca dao về công nhân Tiếng còi đổi ca, NXB Phổ Thông, 1961):

Chúng tôi người thợ đường dây
Mưa đêm bao quản, nắng ngày ngại chi
Kéo dây từ đất Việt Trì
Kéo quanh Vĩnh Phúc, kéo về Đông Anh
Đường dây tôi vượt đồng xanh
Cho mai dòng điện bay quanh lưng trời
(Kéo đường dây)

Nhà tôi ở cạnh sông Hồng
Có hàng cột điện chạy vòng quanh sân
… Nhà tôi thợ điện Lào Cai
Quanh vùng chưa có nhà ai đẹp bằng
(Nhà tôi)

Hình ảnh người thợ điện kéo đường dây được minh họa có sắc thái hiện thực rắn rỏi song có nét như một biểu tượng thẩm mỹ, lồng lộng như một người hùng ở góc nhìn từ dưới lên. Người hùng này ngoài chiếc áo khoác, chiếc thắt lưng bảo hộ nổi bật thì không có gì ngoài thao tác đôi bàn tay và thân mình đu trên cột điện sắt có các thanh lập là zigzag kiểu truyền thống. Bàn tay phải đang quăng dây giống một người hùng trong các bộ phim Viễn Tây Hollywood.

Ca dao mới và minh họa về thợ điện trong tập Tiếng còi đổi ca, NXB Phổ Thông, 1961.

Khoảng một thập niên sau, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ làm thiệt hại nặng nề hạ tầng lưới điện của Hà Nội và các đô thị miền Bắc. Trong những trận oanh tạc này, cột điện là mục tiêu dễ bị trúng bom nhất. Những người thợ đường dây thời đó hay nhắc đến sáng kiến thay thế các cột điện bằng thang tre - công cụ lao động quen thuộc của công nhân điện - nhằm đưa các đường dây đủ độ căng cần thiết để truyền tải ổn định. Thang tre là thứ dễ làm từ loại cây quen thuộc cũng khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh đất nước với sức chịu đựng và tính đa năng của nó.

Cho đến hiện giờ, người ta vẫn thấy công nhân sửa điện dùng thang tre tựa như làm xiếc giữa những ngã tư có đường dây vắt ngang qua mà không có một điểm tựa leo lên nào. Cảnh tượng này có thể khiến khách nước ngoài trầm trồ: hai người bên dưới đỡ cây thang, bên trên là một người thợ khác đang khẩn trương sửa đường dây, mặc cho xe cộ đi qua.

Những phương thức sáng kiến nhiều khi xảy ra ở chính tình thế cực chẳng đã, chẳng hạn đối phó với việc ăn cắp điện. Điều này không phải mới mẻ. Vào thời điểm những cuốn sách dạy nghề điện bằng chữ quốc ngữ chưa ra đời, đã có những vụ nhà máy điện Bờ Hồ kiện những hiệu buôn người Ấn Độ ở 65 Hàng Đào về tội “chực ăn cắp luồng điện” (Hà thành ngọ báo, 12.9.1929) hay ở Hải Phòng khi thấy “số điện ở nhà máy phát đi so với số tiêu thụ của các nhà dùng điện quá chênh lệch, Sở Máy đèn ngờ cho nhiều nhà buôn lấy cắp điện. […] Ông kỹ sư Hoàng Văn Ngọc đã mời nhiều người ra nhà riêng nói chuyện, khuyên người ta đừng nên làm việc phi pháp ấy và cứ nói thực cho ông biết (!) Lẽ tự nhiên là người ta không khờ như ông Ngọc - nếu người ta có gian - để người gọi đến mà nộp mình. Muốn tìm cho ra manh mối trong vụ này, Sở Máy đèn đã ngầm đặt nhiều công tơ ở các cột đèn để điện phải đi qua trước khi vào các nhà tư cho dễ kiểm soát” (Hà thành ngọ báo 10.7.1935). Vốn dĩ trước đó, điện được khoán theo đăng ký số bóng đèn hay thiết bị trong nhà. Ý vị hài hước của bản tin cho thấy việc dân vận không phải lúc nào cũng hiệu quả bằng biện pháp kỹ thuật.

Việc tạo ra một hệ thống văn bản sách học dễ tiếp thu và đầy tính động viên người học là điều chúng ta phải ghi nhận ở những người thầy tiên phong trong việc truyền bá kiến thức khoa học và kỹ thuật cách đây gần chín mươi năm.

Vào thập niên 1980, khi tình trạng ăn cắp điện xảy ra tràn lan, một thợ điện bậc cao ở Chi nhánh Điện lực quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã nghĩ ra cách dùng những nắp capô ô tô vận tải cũ, gò lại thành những hộp bảo vệ công tơ điện ở các khu dân cư. Sáng kiến này đã tạo ra một quy trình mới và dần dà được cải tiến thành những hòm công tơ điện như ngày nay. Chủ nhân của sáng kiến này trong cuộc phỏng vấn cũng bộc bạch rằng đó là thời điểm Hà Nội thiếu điện triền miên, người dân cũng vì sinh kế mà làm liều nên phải có giải pháp ôn hòa, bản thân những người thợ điện làm việc trong những “xóm liều” cũng trở thành những nhà dân vận khéo léo. Từ chiếc công tơ ở các cột đèn năm xưa đến việc dùng cả hòm bảo vệ chính các công tơ điện là một bước lùi về ý thức, cho dẫu thời nào việc dân vận cũng được lưu tâm.

Điện đã có mặt ở Hà Nội khoảng 130 năm, và chừng đó là khoảng 5 thế hệ thợ điện. Ở góc độ nào đó, những người thợ điện nghiễm nhiên được gán một ý nghĩa là “người nhà nước”, đại diện cho chính sự điều hành đất nước. Trong tiếng Anh, để trỏ nghĩa “điện lực” ngoài từ “electricity” còn có từ “power”, từ này cũng có nghĩa là công suất, sức mạnh, quyền lực. Điều này thú vị khi ta liên hệ với bối cảnh Việt Nam. Dù trước đây người thợ điện chỉ cần “biết võ vẽ bốn phép tính” và đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, hay ngày nay có hẳn những trường lớp chuyên nghiệp, tính chất đại diện cho một quyền lực của họ vẫn không thay đổi.

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quyen-luc-cua-nguoi-tho-45003.html