Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN

Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 25/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Dự Luật được xây dựng hiện có 4 điều, trong đó điều 4 quy định hiệu lực thi hành là từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Tại hội trường, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo luật quy định khái niệm“cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1 trong dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhânđược xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Nội dung tiếp thu được thể hiện tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo luật (bổ sung khoản 2a Điều 3).

Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, một số ý kiến tán thành việc bổ sung nội dung này song băn khoăn vì dễ phải thành lập thêm tổ chức bộ máy, chưa phù hợp với Nghị quyết TW. Một số ý kiến đề nghị giới hạn chỉ giám định khi cấp có thẩm quyền yêu cầu để tránh chồng chéo và phù hợp với khả năng của KTNN. Có ý kiến cho rằng, nên giao tổ chức giám định tài chính thực hiện, không giao KTNN. Ý kiến khác cho rằng, theo quy định của Luật Giám định tư pháp, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tố tụng kể cả KTNN nên không cần quy định trong Luật KTNN. Có ý kiến đề nghị không nên bổ sung nội dung này vào Luật KTNN, nếu cần thiết thì bổ sung trong Luật Giám định tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH nhận thấy, việc đề xuất bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan tố tụng đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì KTNN sẽ trở thành cơ quan giám định chuyên trách, trong khi nhiệm vụ của KTNN theo Hiến pháp và Luật KTNN rất nặng nề nên khó khăn cho KTNN trong triển khai thực hiện. Đồng thời, theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 và năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong quá trình sửa đổi Luật Giám định tư pháp sẽ nghiên cứu, bổ sung hợp lý nội dung này nếu cần thiết. Vì vậy, xin không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN vào dự thảo luật.

Về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đồng tình bổ sung thẩm quyền cho KTNN nhưng đề nghị cần đánh giá và xem xét kỹ để tránh xung đột với các luật chuyên ngành. Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật có nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Có ý kiến cho rằng một số quy định không thuộc phạm vi của Luật này mà phải quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

UBTVQH nhận thấy, việc trao cho KTNN thẩm quyền ban hành VBQPPL, quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của KTNN.

Tuy nhiên, luật này chỉ quy định thẩm quyền của KTNN còn quy định về hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính,... sẽ được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, có ý kiến đề nghị rà soát để tránh dẫn chiếu quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật có nội dung mở rộng hơn Luật PCTN, có thể chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan điều tra; có ý kiến đề nghị bám sát các quy định tại Chương II, Chương III Luật Phòng, chống tham nhũng để quy định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến của các vị ĐBQH là xác đáng. Vì vậy, UBTVQH đã tiếp thu, rà soát, lược bỏ, thể hiện lại hoặc bổ sung một số điều, khoản trong dự thảo luật theo hướng hạn chế dẫn chiếu các nội dung đã được quy định trong Luật PCTN như bỏ các quy định về quyền “xác minh” tại điểm 2a khoản 3 và điểm 2 khoản 7 Điều 1 Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng do đã quy định rõ tại Điều 64 Luật PCTN và để thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành VBQPPL “không quy định lại các nội dung đã được quy định trong VBQPPL khác”;...

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, UBTVQH nhận thấy, Luật KTNN hiện hành đã quy định đầy đủ về công khai báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH sẽ chỉ đạo KTNN hoàn thiện các văn bản dưới luật để chi tiết, cụ thể việc công khai báo cáo kiểm toán, đặc biệt là công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác công khai để tạo sự lan tỏa các kết quả kiểm toán, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Một số ý kiến góp ý liên quan đến kỹ thuật văn bản, UBTVQH đã nghiêm túc tiếp thu, rà soát, chỉnh lý và thể hiện cụ thể tại các điều, khoản của dự thảo luật. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ trong dự thảo luật.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/quoc-hoi-xem-xet-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-ktnn/378274.vgp