Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh trong tuần sau

Ngày 24-10 tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu).

Ảnh minh họa: Quốc hội

Thông tin trên được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 diễn ra chiều 18-10. Theo đó kỳ họp này sẽ kéo dài từ 22-10 đến 21-11-2018.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết toàn bộ hồ sơ báo cáo của đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới đại biểu Quốc hội theo thời gian quy định. Ngoài ra, liên quan đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm, ông Phúc khẳng định, mọi đối tượng thuộc diện lấy phiếu sẽ được đánh giá công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và không có cơ sở để ưu tiên ai.

Về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào ngày 23-10; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo sau: kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022). Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo sau: báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV…

Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội tại kỳ họp này. Theo báo cáo số 470/BC-CP ngày 12-10-2018 của Chính phủ gửi đến Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thêm nữa, Chính phủ còn gửi Quốc hội báo cáo 471/BC-CP ngày 12-10-2018 đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2018.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2018 kinh tế vĩ mô ổn định tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát rất thành công. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 năm 2016 và 2017 đều vượt dự toán. Tỷ giá, lãi suất đã ổn định và theo chiều hướng giảm dần, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Cán cân xuất nhập khẩu chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư và lần đầu tiên, xuất khẩu đạt trên 200 tỉ Đô la Mỹ vào năm 2017.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành trong 3 năm 2016-2018 ước khoảng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm 2016-2020 bằng khoảng 32%-34% GDP. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện và đồng bộ, một số lượng lớn các văn bản pháp luật và điều hành đã được ban hành. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280402/quoc-hoi-lay-phieu-tin-nhiem-48-chuc-danh-trong-tuan-sau.html