Quảng Nam nỗ lực khẳng định thương hiệu hàng nông sản

Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Nam liên tiếp tổ chức các hội chợ quảng bá hàng nông sản chất lượng cao của tỉnh, nhằm tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, các chủ trang trại, hộ nông dân trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp.

Một gian hàng quảng bá thương hiệu hàng nông nghiệp xứ Quảng.

Mục tiêu quảng bá

Chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2019), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội chợ hàng nông nghiệp lần thứ nhất, năm 2019, khai mạc vào tối 20-8. Hội chợ được tổ chức với quy mô trên 70 gian hàng diễn ra từ ngày 20 đến 23-8 tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Quảng Nam (số 565 đường Hùng Vương, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Đến với hội chợ khách hàng sẽ được tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản sạch, các sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP...

Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm hội chợ còn có các mặt hàng dân dụng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các gian hàng ẩm thực; hoạt động văn hóa, văn nghệ, hô hát bài chòi phục vụ người dân đến tham quan, mua sắm. Không chỉ đơn thuần là hội chợ giao thương, hoạt động này còn khẳng định hơn nữa mục tiêu quảng bá hàng nông sản Quảng Nam. Thời gian qua, Quảng Nam đã xây dựng thành công các nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Tiêu Tiên Phước, sản phẩm Đảng sâm, Ba kích Tây Giang; Rau hữu cơ Thanh Đông, rau hữu cơ, rau an toàn Trà Quế...

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, đến nay, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch có hiệu quả, tạo ra các nông sản hữu cơ, sạch, an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị, được nhân rộng trong sản xuất. Các chuỗi sản phẩm an toàn, hữu cơ: Đậu Phụng, Bò, Rau của HTXNN Điện Quang (Điện Bàn), trong đó chuỗi sản phẩm Lạc đã gắn với việc xây dựng thành công thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng”.

Ngoài ra, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết chuỗi tiêu thụ của các cơ sở, trang trại, Tổ hợp tác, HTX Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam về sản xuất rau an toàn, hữu cơ, trồng rau thủy canh, trên giá thể, chăn nuôi heo, gà địa phương, vật nuôi bản địa (heo đen, dúi...), nuôi trồng thủy sản an toàn, sinh thái gắn với các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành và ở một số nơi khác.

Nỗ lực hoàn thiện thương hiệu OCOP

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Chương trình OCOP sẽ được tiến hành đồng bộ trên cả nước nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngay khi tiếp nhận đề án, Quảng Nam đã triển khai rộng khắp với hàng trăm sản phẩm được chọn lựa phát triển, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường, một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều thách thức mà các địa phương cũng như chủ thể tham gia OCOP đang phải đối mặt và vượt qua.

Chưa bao giờ có một đề án nào mà đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc một cách ráo riết, kề vai sát cánh với doanh nghiệp, HTX như OCOP. Trong đó, với vai trò là “bà đỡ” nhà nước đồng hành cùng chủ thể cùng hoàn thiện sản phẩm, nâng tầm sản phẩm từ những sản vật của địa phương trở thành thương hiệu của địa phương đó. Để triển khai chương trình, Đề án OCOP tại Quảng Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Mục tiêu của đề án nhằm xác định, hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển mới 100 sản phẩm tăng dần theo các năm, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi.

Theo ông Tạ Quốc Việt – HTX Nông nghiệp Thu Bồn, đơn vị tham gia OCOP với 2 sản phẩm nấm bào ngư và trà lá sen thì khó khăn nhất hiện nay là chuẩn hóa sản phẩm. “Hiện nay HTX đã được đánh giá 3 sao cho sản phẩm trà lá sen, chúng tôi cũng đang nỗ lực hoàn thiện hơn nữa để nâng tầm lên 4 sao. Còn đối với sản phẩm nấm bào ngư thì chúng tôi mới chỉ đăng ký, đang lên phương án kinh doanh cho phù hợp để xin kinh phí. Khó khăn nhất hiện nay đó chính là làm sao sản phẩm đạt chuẩn chất lượng khi mang đi kiểm nghiệm. Lâu nay có rất nhiều chương trình hỗ trợ sản phẩm của địa phương nhưng theo tôi đánh giá đây là chương trình đòi hỏi sự vào cuộc “thực chất” nhất. Phải đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn cả chất xám nữa mới phát huy được giá trị sản phẩm. Đáp ứng hết tất cả các hạng mục đề ra của OCOP là rất khó khăn đòi hỏi các chủ thể tham gia phải nỗ lực hết công suất”, ông Việt chia sẻ.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu đến 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh, phát triển 100 sản phẩm mới, phát triển 3-4 làng du lịch sinh thái cộng đồng... Cùng với đó, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm 5 sao quốc gia, củng cố, phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2019 là có 70 sản phẩm đạt chuẩn từ hạng 3 sao trở lên, có 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, phấn đấu xây dựng được 6 điểm bán hàng OCOP và 3 trung tâm OCOP cấp huyện, 1 trung tâm OCOP cấp tỉnh.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_211332_quang-nam-no-luc-khang-dinh-thuong-hieu-hang-nong-.aspx