Quản lý sân gôn bằng điều kiện kinh doanh

Theo quy định của Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), hoạt động đầu tư, kinh doanh sân gôn được chuyển sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh thay vì quản lý bằng quy hoạch như hiện nay. Ðể đáp ứng sự thay đổi này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã hoàn thành dự thảo Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, gửi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Theo Quyết định 1946/2009/QÐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân gôn Việt Nam đến năm 2020, cả nước được quy hoạch 89 sân gôn. Sau hai lần điều chỉnh, loại bỏ sân gôn không đủ điều kiện, mở rộng dự án hiện có và bổ sung dự án mới, đến nay tổng số sân gôn nằm trong quy hoạch đã vượt con số 100. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa sân gôn trong số đó được triển khai đúng quy hoạch và đi vào hoạt động. Ðã xuất hiện những sân gôn trá hình, chủ đầu tư xin vào quy hoạch chỉ nhắm đến mục đích kinh doanh bất động sản. Bởi ở nhiều dự án lớn, sân gôn chỉ là một hạng mục đầu tư đồng bộ với các khu du lịch, trung tâm thương mại, nhà biệt thự.

Ðể quản lý sân gôn bằng điều kiện kinh doanh, dự thảo Nghị định của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đưa ra hàng loạt tiêu chí, điều kiện và quy định rõ các loại đất sân gôn không được phạm vào. Ðó là đất quốc phòng an ninh; đất rừng tự nhiên thuộc quy hoạch; đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao; đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị. Dự thảo cũng nêu rõ bảy hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, gồm: Xây dựng sân gôn khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; sử dụng đất sân gôn không đúng mục đích; kinh doanh sân gôn và các dịch vụ liên quan không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động đánh bạc trái phép; cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật; và cuối cùng là các hành vi bị cấm khác theo quy định pháp luật. Thời gian xây dựng và đưa vào hoạt động dự án sân gôn không được quá 36 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất. Mỗi lỗ gôn không được sử dụng quá 5 ha đất, diện tích xây dựng sân gôn lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ)…

hông thể phủ nhận kinh doanh sân gôn là ngành dịch vụ tạo ra lợi nhuận cao và Việt Nam có lợi thế phát triển. Thế nhưng việc "bùng nổ" sân gôn, nhất là trong giai đoạn phân cấp cấp phép dự án nói chung, trong đó có dự án sân gôn cho địa phương cho thấy, cơ chế quản lý theo quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập. Chuyển sang cơ chế quản lý theo điều kiện kinh doanh là cần thiết nhưng quan trọng là các điều kiện phải được đặt ra một cách chặt chẽ, cụ thể để bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước. Qua đó có thể phát huy cao nhất hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây hệ lụy cho môi trường, kinh tế - xã hội.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38270702-quan-ly-san-gon-bang-dieu-kien-kinh-doanh.html