Phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng: nhiều nguyên nhân làm suối Lồ Ồ bị ô nhiễm

Suối Lồ Ồ kéo dài từ hương lộ 2, khu phố An Khương, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng đến rạch Trảng Chùa rồi đổ ra rạch Trảng Bàng.

Một miệng cống nước thải sinh hoạt của người dân cặp theo hương lộ 2 đầy rác thải.

Thời gian qua, suối Lồ Ồ bị ô nhiễm, có mùi hôi rất khó chịu, nước suối có màu đen sẫm, nhất là khu vực tiếp giáp Khu công nghiệp Trảng Bàng. Người dân kiến nghị ngành chức năng kiểm tra chất lượng nguồn nước, trong đó có nguồn nước đã qua xử lý của các công ty trong Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Một cơ sở vi phạm

Đứng gần các miệng cống tiếp giáp suối Lồ Ồ cặp hương lộ 2, mùi hôi rất khó chịu, miệng cống đầy rác thải. Trước kiến nghị của người dân địa phương, ngày 29.11.2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng kiểm tra đột xuất tình hình xử lý nước thải của Khu công nghiệp Trảng Bàng. Hiện ở khu công nghiệp này, có 2 nguồn nước thải phát sinh xả vào hồ điều hòa đến hồ lục giác, chảy ra suối Lồ Ồ.

Nguồn nước thải thứ nhất từ nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN có công suất thiết kế 7.500m3/ngày.đêm theo phương án đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT, đã được Bộ TN&MT kiểm tra, xác nhận và cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải đang vận hành, không phát hiện xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, lưu lượng xả nước thải thực tế 4.500m3/ngày.đêm, có lắp thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục nhưng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để truyền tải dữ liệu về Sở TN&MT. Trước đó, ngày 25.10.2023, Sở TN&MT đã lấy mẫu, phân tích nước thải sau hệ thống xử lý của khu công nghiệp, kết quả các thông số đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A.

Nguồn nước thải thứ hai là hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần dệt T.H.T có công suất thiết kế 4.000m3/ngày theo phương án đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT, đã được Sở TN&MT kiểm tra, xác nhận và cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải đang vận hành, không phát hiện xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, lưu lượng xả nước thải thực tế 2.700m3/ngày.đêm, đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Trước đó, cũng trong ngày 25.10.2023, Sở đã lấy mẫu, phân tích nước thải sau hệ thống xử lý, kết quả có 1 thông số vượt dưới 1,1 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT, cột A. Hiện Sở TN&MT đang tổng hợp hồ sơ để phạt cảnh cáo đối với Công ty cổ phần dệt T.H.T.

Có thêm nhiều nguồn nước thải ngoài khu công nghiệp đổ ra suối Lồ Ồ

Không chỉ có một nguồn nước thải từ Khu công nghiệp Trảng Bàng đã qua xử lý thải ra suối Lồ Ồ mà thực tế còn có nhiều nguồn nước thải khác dẫn đến tình trạng nước suối bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.

Theo Sở TN&MT, suối Lồ Ồ còn tiếp nhận nhiều nguồn nước thải sinh hoạt của người dân đổ trực tiếp không qua xử lý vào các công trình thu gom, xử lý nước mưa, nước thải khu công nghiệp, bao gồm:

Khu dân cư quốc lộ 22 khoảng 48 hộ dân và 506 phòng trọ, người dân đục tường rào khu công nghiệp để thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt vào cống thu gom nước mưa đường số 5, sau đó chảy vào hồ điều hòa khu công nghiệp. Khu dân cư ấp An Khương tại hương lộ 2 khoảng 100 hộ dân xả nước thải sinh hoạt vào hồ lục giác khu công nghiệp.

Ngoài ra, còn có nước thải sinh hoạt của khu dân cư ấp Suối Sâu cặp đường vào Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III khoảng 100 hộ dân, chợ Suối Sâu thoát nước mưa và xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom nước mưa đường số 8 khu công nghiệp. Khu dân cư cặp hàng rào khu công nghiệp, người dân đục tường rào để thoát nước mưa chảy tràn vào hệ thống thu gom nước mưa đường số 8 chảy vào hồ điều hòa khu công nghiệp. Khu dân cư cặp hương lộ 2 từ hướng ngã tư An Bình có khoảng 70 hộ dân, 400 phòng trọ và chợ tự phát thoát nước mưa và xả nước thải sinh hoạt vào suối Lồ Ồ.

Các khu dân cư xung quanh khu công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải, tất cả nước thải xả vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa, hồ điều hòa và hồ lục giác của khu công nghiệp, kèm theo rác thải sinh hoạt từ khu chợ tự phát xả vào hồ lục giác và suối Lồ Ồ. Tình trạng này xảy ra từ khi hình thành và phát triển khu công nghiệp đến nay đã khiến suối Lồ Ồ bị ô nhiễm nặng như hiện nay, không chỉ do chất lượng nguồn nước đã qua xử lý của các công ty sản xuất trong Khu công nghiệp Trảng Bàng như người dân đặt vấn đề.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Trảng Bàng chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án công trình hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Trảng Bàng công suất 10.000m3/ngày.đêm giai đoạn 2 được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 15.11.2021. Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xử lý nước thải các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải với lưu lượng từ 1m3/ngày.đêm đến dưới 50m3/ngày.đêm theo Công văn số 6672/STNMT-BVMT ngày 21.10.2021 của Sở TN&MT.

Được biết, UBND thị xã Trảng Bàng đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Trảng Bàng; đã kiểm tra, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải xung quanh khu công nghiệp nhưng tình trạng xả nước thải chưa được xử lý vẫn còn xảy ra.

Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND thị xã Trảng Bàng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án công trình hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Trảng Bàng; chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý ra hồ điều hòa, hồ lục giác của khu công nghiệp, suối Lồ Ồ và các cá nhân, hộ kinh doanh xả rác thải sinh hoạt xung quanh khu công nghiệp.

Thiên Tâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phuong-an-tinh-thi-xa-trang-bang-nhieu-nguyen-nhan-lam-suoi-lo-o-bi-o-nhiem-a166823.html