Phục dựng điện Kính Thiên: Đừng chạy theo dự án!

Dựng một điện Kính Thiên mới trên nền cũ thì đó chỉ là một công trình mới được gắn tên cũ, không có giá trị về mặt lịch sử, di sản

Trước những ý kiến còn băn khoăn về việc phục dựng lại điện Kinh Thiên, nhà nghiên cứu Huế học - Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, không nên mạo hiểm phá hủy các dấu tích văn hóa nhiều đời để lấy một điện Kính Thiên phục dựng.

Cũng giống nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa khác, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, điện Kính Thiên là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, dấu tích điện Kính Thiên chỉ còn là khu nền cũ và rồng đá điện Kính Thiên.

"Những kiến trúc trên mặt đất của khu di sản Hoàng thành Thăng Long không nhiều, còn trong lòng đất hiện chỉ có các dấu tích như các nền móng, cống thoát nước, giếng nước… chồng chất lên nhau. Trong khi đó, trong lịch sử điện Kính Thiên đã sụp đổ và vua Gia Long đã cho hủy bỏ điện này để xây hành cung. Những thông tin để phục dựng lại điện Kính Thiên rất mơ hồ, thiếu cơ sở, nhất là từ vật liệu, kích thước, kiến trúc, hoa văn... tất cả đều không có tư liệu rõ ràng.

Trong trường hợp này, nếu có dựng lên một công trình khác thì cũng chỉ là công trình mới của thời đại hiện tại làm trên nền điện Kính Thiên, chứ không thể gọi là phục dựng hay gọi đó là điện Kính Thiên của Cẩm thành Thăng Long xưa được.

Như vậy, xét về mặt giá trị văn hóa, thì đó chỉ là một công trình mới được gắn tên cũ chứ không có giá trị về mặt lịch sử, di sản", ông Xuân thẳng thắn.

Vì điều này, nhà Huế học cho rằng, không nên dành cả một dự án cho việc nghiên cứu, phục dựng lại di tích điện Kính Thiên vì việc này không những không mang lại giá trị về mặt lịch sử, di sản. Chưa kể, nó còn có nguy cơ phá hủy nhiều di sản khác.

"Trong tổng thể di tích của Hoàng Thành Thăng Long, ngoài điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa còn có Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam- di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó là nơi các danh tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng… đã làm việc trên 7.000 ngày đêm để lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.

Đó không chỉ là văn hóa, di sản của thời đại hiện tại mà còn mang giá trị văn hóa lịch sử rất quan trọng, phải giữ gìn cho thế hệ con cháu về sau. Di sản nào cũng cần phải bảo vệ, không nên vì một điện Kính Thiên đã bị phá hủy mà đánh đổi nhiều di sản văn hóa khác.

Với điện Kính Thiên, hoàn toàn có thể lựa chọn phương án dựng lên tấm bia chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử, văn hóa di sản này thuộc quần thể di sản của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông cũng đề cập tới câu chuyện phát triển văn hóa, du lịch thời gian qua đang có xu hướng chạy theo thị trường hóa, thương mại hóa. Tình trạng này đã xảy ra cả với những nơi chùa chiền, miếu mạo, kinh doanh tâm linh lại trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. Từ thực trạng trên, ông lo ngại, thị trường hóa, thương mại hóa cũng đang lan sang cả lĩnh vực di tích.

"Không chỉ chạy theo dự án làm cầu, làm đường, làm sân bay, cảng biển thì mới có tiền, mà bất kỳ ở lĩnh vực nào cứ có dự án thì đều có cơ hội, kể cả trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Vì thế, cần phải xem xét, nghiên cứu rất thận trọng việc phục dựng lại điện Kính Thiên, tránh tình trạng chạy theo dự án mà làm cho bằng được vừa gây tốn kém tiền của, lãng phí nguồn lực, vừa không thể hiện được giá trị văn hóa, lịch sử", ông Nguyễn Đắc Xuân cảnh báo.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/phuc-dung-dien-kinh-thien-dung-chay-theo-du-an-3429990/