Phụ nữ Việt Nam qua lăng kính của những người làm nghệ thuật

Theo đuổi những con đường nghệ thuật khác nhau nhưng mỗi nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang đều dành tình cảm đặc biệt dành cho phụ nữ theo cách riêng của họ bằng những tiết mục, tác phẩm nhiếp ảnh hay những mẫu thiết kế áo dài ấn tượng.

Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910/8-3-2021), Báo Quân đội nhân dân Điện tử ghi lại cảm xúc của một số nghệ sĩ và nhà thiết kế.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành:

Tôi luôn đề cao phẩm chất kiên trung, đảm đang của phụ nữ Việt Nam

Năm nay tôi đã bước sang tuổi 86, vốn là phóng viên ảnh của TTXVN nên có điều kiện được đi khắp đất nước để ghi vào ống kính những chủ đề mình muốn thực hiện. Tôi đã dành tất cả các bức ảnh mình chụp trong quá trình làm nghề để tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay. Từ 2.000 bức ảnh về phụ nữ, tôi đã chọn ra để lấy 400 bức ảnh tiêu biểu nhất, đẹp nhất của mình về Phụ nữ Việt Nam để tặng Bảo tàng. Đây là lần thứ hai tôi trao tặng hiện vật cho Bảo tàng. 5 năm trước, tôi đã tặng gần 100 bức ảnh về chiến tranh để làm tài liệu học tập cho các em.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành giới thiệu bức ảnh chụp phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với cách nghĩ và cách chụp của mình, tôi ghi lại những bức ảnh mang tính lịch sử. Thật ra gọi là lịch sử nhưng khi tôi chụp vào từng thời điểm thì thể hiện tính thời sự nhưng quá trình và thời gian trôi đi thì những tấm ảnh trở thành tư liệu lịch sử. Thông qua những bức ảnh để phụ nữ Việt Nam hiểu sâu hơn lịch sử của giới mình.

Tôi bảo quản ảnh rất cẩn thận nên đến giờ, ảnh vẫn đảm bảo tính hình tượng nghệ thuật, sinh động, mang đặc điểm sinh hoạt của phụ nữ của các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Hầu như các chuyến đi của tôi đều có những sự việc cụ thể, trước khi đi, tôi luôn chuẩn bị trước nội dung đến các vùng, miền. Tôi phải nghiên cứu đặc điểm, vẻ đẹp của mỗi địa phương khi mình đặt chân đến để ghi lại bằng hình ảnh, trong đó có hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Hầu hết 400 file ảnh gửi tặng Bảo tàng lần này đều có nội dung riêng và mang màu sắc khác nhau.

Trong các bức ảnh chụp về phụ nữ Việt Nam của tôi có rất nhiều tác phẩm đã trở thành nghệ thuật dự thi các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng cao, trong đó có cả thể loại ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật.

Khi chụp những bức ảnh phụ nữ trong chiến tranh, trong tâm trí luôn muốn thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam không chỉ làm công việc của gia đình mà chính họ đã tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và giải phóng dân tộc. Khi cầm máy, tôi luôn đề cao đặc điểm đặc biệt này. Chính vì thế nhiều bức ảnh về phụ nữ trong chiến tranh của tôi được lưu giữ lại cho đến nay và có giá trị lâu dài, trong đó có những tác phẩm nghệ thuật đoạt giải thưởng cao ở trong nước và thế giới như bức ảnh “Đường ra tiền phương”.

Nói đến phụ nữ Việt Nam là phải nhắc đến chiếc áo dài truyền thống, trang phục này thể hiện nét riêng biệt, khi người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài thì thấy khác hẳn, đẹp hơn rất nhiều.

Tôi đã tham dự nhiều sự kiện, khi nhìn vào áo dài có thể hình dung ra phong cảnh đất nước mình trên tà áo dài đó, đó có thể là sinh hoạt văn hóa của từng vùng, miền, được họa sĩ khắc họa lên tà áo dài. Nhìn áo dài của phụ nữ mặc là biết họ ở vùng nào trên đất nước, đó là điểm rất riêng biệt. Ngoài ra, một số họa sĩ còn vẽ hoa văn thiết kế trang phục của phụ nữ các dân tộc vào tà áo dài của phụ nữ người Kinh, đó là thể hiện sự trao đổi văn hóa giữa các vùng, miền.

-------------------------

Nghệ sĩ xiếc Thùy Dương:

Khắc phục khó khăn để theo đuổi đam mê với nghệ thuật xiếc

Hiện nay, tôi đang là diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Là phụ nữ mà chọn xiếc là môn nghệ thuật để theo đuổi thì chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là không có thời gian dành cho gia đình vào những ngày nghỉ. Khi mọi người đi chơi, nghỉ ngơi thì mình phải làm việc, thiệt thòi nhất là các con của tôi. Những ngày như Tết Trung thu hoặc Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, các con phải theo tôi đi biểu diễn hoặc ở nhà một mình. Sau mỗi buổi diễn về, nhìn thấy con ngồi ngóng đợi mẹ thì thương lắm, nước mắt trào ra. Tuy nhiên, các con từ nhỏ đã theo mẹ lên sàn tập, thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ nên chúng cũng quen dần với cảm giác thiếu mẹ vào mỗi buổi tối có lịch diễn. Tuy vất vả nhưng vì niềm đam mê với nghệ thuật xiếc và tuổi nghề của diễn viên xiếc cũng rất ngắn nên tôi tranh thủ khi còn trẻ cố gắng cống hiến cho nghệ thuật.

Tiết mục dây lụa đôi do nghệ sĩ Đức Thắng và Thùy Dương biểu diễn.

Đã theo đuổi nghệ thuật xiếc thì không thể tránh khỏi những sơ sảy do tai nạn nghề nghiệp. Chỉ một sơ suất nhỏ sẽ không biết chuyện gì xảy ra với bản thân nên hằng ngày, tôi luôn dành thời gian rèn luyện thể lực, tập đều đặn. Trong quá trình tập luyện cũng như biểu diễn, tôi luôn cố gắng cẩn thận để không xảy ra chuyện bất trắc.

Vì đam mê và lòng yêu nghề nên mọi khó khăn tôi đều cố gắng khắc phục để mang đến những tiết mục hấp dẫn cho khán giả.

Tôi nghĩ rằng, phụ nữ dù làm nghề gì đều giống nhau ở một điểm là luôn mong được người thân, đồng nghiệp yêu thương và trân trọng.

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, tôi muốn nhắn nhủ các chị em dù trong hoàn cảnh nào thì cũng phải luôn vui vẻ, hạnh phúc, trau dồi kiến thức, chăm sóc sức khỏe cho bản thân thật tốt thì mới hoàn thành nhiệm vụ vừa làm vợ, làm mẹ, chu toàn công việc mình yêu thích.

-------------------------

Nhà thiết kế áo dài Vũ Lan Anh:

Tôi muốn thêu dệt lên tà áo dài những nét văn hóa truyền thống

Tôi là một người yêu vẻ đẹp hoài cổ, có niềm đam mê với giá trị truyền thống, vốn cổ của người Việt và mong muốn thêu dệt hình ảnh mang dấu ấn Việt lên những tà áo dài truyền thống. Những họa tiết truyền thống trong các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng hay các sự tích, truyền thuyết... luôn có sức hút mãnh liệt với tôi. Vì thế, niềm đam mê và công việc của tôi hằng ngày luôn gắn với trang phục áo dài. Mỗi năm, tôi đều cố gắng thực hiện những bộ sưu tập lấy ý tưởng từ các loại hình văn hóa dân gian để khắc họa lên các tà áo dài.

Nhà thiết kế áo dài Vũ Lan Anh.

Tôi cho rằng, người Việt Nam từ trẻ đến già, đàn ông hay phụ nữ mặc áo dài truyền thống đều đẹp. Tuy nhiên, đẹp nhất và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa nhất chính là phụ nữ Việt Nam.

Gần đây, vào các ngày lễ, Tết, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3… phụ nữ mặc áo dài nhiều hơn. Qua trang phục này, phụ nữ càng thấy yêu tà áo dài hơn và thế hệ trẻ ngày nay có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh áo dài đến với thế giới. "Tuần lễ Áo dài" 2021 là một trong những hoạt động được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trên toàn quốc từ ngày 1 đến 8-3, đây là một hoạt động ý nghĩa để phái đẹp được khoe vẻ đẹp của mình trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc.

Tôi tin rằng, các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam sẽ sáng tạo nhiều mẫu áo dài để tham dự các chương trình thời trang của thế giới, quảng bá hình ảnh nhiều hơn nữa trang phục truyền thống của đất nước mình đến với đông đảo người dân khắp năm châu.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/phu-nu-viet-nam-qua-lang-kinh-cua-nhung-nguoi-lam-nghe-thuat-653471