Phú Hòa và những tâm hồn lãng mạn, yêu thơ

Các tác giả sáng tác thơ ở huyện Phú Hòa: Đặng Văn Thơm, Nguyên Hồ và Nguyễn Văn Tường (từ phải sang). Ảnh: VĂN TƯỜNG

Tự thuở khẩn hoang dựng làng lập ấp, chế ngự núi sông bãi bồi tạo nên đồng ruộng bạt ngàn, những người con vùng đất Phú Hòa phải vượt qua thiên tai địch họa khắc nghiệt. Giờ đây quê hương thái hòa đã tạo nguồn cảm xúc bao hồn thơ vùng tả ngạn sông Ba.

Nhà thơ Nguyên Hồ quê xã Hòa Thắng, lứa hội viên Nhà văn Việt Nam đầu tiên của đất nước, sau bao năm xa nhà theo Đảng tham gia hai cuộc kháng chiến thành công đã về thăm lại Phú Hòa. Nhà thơ tràn đầy cảm xúc: Tôi về vui với mùa vui/ Trời xanh cao hơn, ngày thu ngắn lại/ Vườn tược thơm mùi hoa trái/ Làng đêm ánh điện lung linh (Hương Quê).

Có được cuộc sống ấm no hôm nay, hồn thơ Phạm Thành Lý (xã Hòa Trị) luôn nhớ đến công lao to lớn vị Thành hoàng mở đất: Ơn Lương Văn Chánh vang lừng/ Khắp nơi trong tỉnh tưng bừng ngợi ca. Bước ra từ cuộc chiến đấu giữ nước, nhưng mỗi khi xuân đến, tác giả Lê Hữu Phước (xã Hòa Trị) lòng bay bổng cùng làn điệu bài chòi, tuồng hát bội, hồn thơ trong người cựu Trưởng đoàn Văn công Giải phóng Phú Yên thời trận mạc cũng thăng hoa: Đông tàn đất lại hồi xuân/ Ta đi từ thuở cha ông dựng cờ (Phú Hòa vào xuân). Có được niềm vui hòa bình độc lập hôm nay, biết bao anh hùng chiến sĩ vì đại cuộc đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ở Phú Hòa còn biết bao hồn thơ đang ủ kín trong dân gian. Có nhà nghiên cứu dân tộc học phương Tây đầu thế kỷ XX đến nước ta đã nhận xét: “Mỗi người Việt Nam là một tâm hồn thi sĩ”. Vâng, Phú Hòa là một phần “tâm hồn thi sĩ” của đất nước, nhất là khi địa phương trở thành huyện nông thôn mới.

Nhà giáo Lê Văn Học, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, luôn khắc khoải mỗi độ xuân sang, nhất là khi đứng trên cầu Dinh Ông nối thị trấn huyện nhà với huyện bạn: Chiều xuân dạo bước qua cầu/ Nhìn dòng nước chảy lắng sâu nỗi niềm. Nhớ người chiến sĩ quê hương/ Trầm mình sông nước ngăn phường xâm lăng (Chiều xuân qua cầu). Giã biệt làng quê lên đường chiến đấu, đất nước thanh bình, nhà thơ Liên Nam quê xã Hòa Trị, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đầu tiên khi tỉnh nhà tái lập, năm mới trở về thăm lại Phú Hòa lòng thăng hoa với bao niềm vui chung - riêng rộn rã: …Mùa xuân ấm áp cội nguồn trái tim/ Tình anh dành hết cho em/ Để bông hồng nở suốt đêm lẫn ngày (Mùa xuân ấm áp).

Còn đây, hồn thơ Tam Anh - Trần Bương (Hòa An) cảm nhận Phú Hòa như chốn giao thoa nếp văn hóa xưa và nay. Trong tập thơ Vọng Xưa ông xuất bản năm 2010, ở bài Xuân Trên Thành Hồ, cụ Tam Anh ngẫm ngợi: Nghìn xưa nghìn sau hội ngộ/ Quê hương trên đất Phú Hòa; hoặc tinh tế như Hải Tâm - Phạm Thị Em, chị như nhà sinh vật học hòa trộn với tâm lý học tạo nên nét riêng thi pháp cho mình, Hải Tâm ngắm nhìn cây thầu đâu, còn gọi là sầu đông lúc chuyển mùa để rồi trăn trở: “Bởi ai hoa mỹ văn chương/ Gọi sầu đông để đôi đường rẽ chia” (Thầu Đâu).

Nói đến sáng tác thơ nơi đất Hòa An không thể không nhắc đến tác giả Đặng Văn Thơm. Anh làm thơ từ khi là học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Cách đây mười năm đã xuất bản tập Chậm lại mùa thu. Thơ anh thấm đẫm tình đất tình người, chung và riêng hòa quyện vào nhau: Đồng Cam ngày ấy bây giờ/ Lao xao con nước đôi bờ sông Ba/ Nắng như nắng của tình ta/ Và mưa như thể thương xa…nhớ gần (Một thoáng Đồng Cam). Nhưng chuyên nghiệp hơn có lẽ là cây bút Huỳnh Văn Quốc. Huỳnh Văn Quốc đã xuất bản 2 tập. Cây bút nặng lòng với nông thôn: Phiên chợ làng rộn rịp bán, mua/ Không gian chật tiếng người chen chúc/ Ấp iu từng giấc mơ hạnh phúc/ Mắt ai cười văn vắt giếng trong (Giấc xuân). Nhập cư đến xã Hòa An mấy năm nay, tác giả Huỳnh Duy Hiếu về hưu kịp mang theo “tài sản” 3 tập thơ. Anh luôn rung cảm trước tình yêu: Môi em một thời con gái/ Bỗng xao xuyến nụ hôn trầm (Suốt đời ta mãi còn xuân).

Du xuân lên cuối huyện, xã Hòa Hội giờ mất dần dáng lam lũ ruộng rẫy, từng bước phố hóa thôn buôn, du lịch sông nước Đồng Cam đón mời khắp nơi về đây thưởng lãm, nghe tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa (Hòa Hội) cảm khái: Trẻ khoe áo mới chờ Tết đến/ Già ôn chuyện cũ đón xuân sang. Cảnh quan dọc quốc lộ 25 làm cho tình đất tình người chợt nổi lên trong hồn thơ Hoàng Ngọc Anh. Những địa danh thân thương hiện ra gây niềm xúc động, tác giả tự vấn với chính mình: Đồng vươn trải sao lòng mình nhỏ quá/ Bầu Đục, Phong Niên háo hức chợ làng (Chiều Thành Hồ). Trên quê hương Hòa Thắng có nhiều cây bút sáng tác thơ xuân. Đó là Bửu Huy - Bùi Thảo, cách đây 3 năm, tác giả xuất bản tập thơ riêng Hương trầm tưởng. Tình xuân trong thơ Bửu Huy vừa rạo rực vừa da diết: Xuân này quê mẹ sắp giao mùa/ Đàn én trên đồng mắc võng đưa/ Hàng xóm nhiều nàng dâu mới cưới/ Anh về ta nối lại tình xưa (Sao anh không về). Còn tác giả Ma Joan cảm xúc lắng sâu đã tinh tế phát hiện xuân về từ trong điều cũ kỹ ngỡ lãng quên: Bên cạnh bức tường thời gian xỉn rêu/ Bất ngờ bật lên một chồi nõn dại/ Xuân về sớm nay (Xuân mới). Cũng tác giả ở xã Hòa Thắng nhưng thơ Phạm Hồng Thái như bức tranh cổ động giàu hình tượng về một nông thôn mới: Quê hương tươi nhuộm những màu hoa/ Nhà ngói nhà tầng kề san sát/ Mái tranh vách đất đã lùi xa (Đón Tết). Và tất cả như tụ về Hội Thơ xuân truyền thống mùng 9 tháng Giêng hàng năm của huyện, tác giả Khắc Thọ náo nức đợi chờ: Đêm mồng chín gặp tri âm/ Phú Hòa quê mẹ bên dòng sông Ba (Mừng xuân).

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/235421/phu-hoa-va-nhung-tam-hon-lang-man-yeu-tho.html