Phố Wall đi ngang; Dầu tăng hơn 1%

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào 17/9, sau khi đạt mức cao kỷ lục khi với kỳ vọng Fed giảm lãi suất. Giá dầu tăng hơn 1% khi sản xuất dầu vẫn bị gián đoạn ở Vịnh Mexico.

Nhà đầu tư nóng lòng chờ quyết định của Fed

Kết phiên, chỉ số S&P 500 nhích 0.03% lên 5,634.58 điểm, sau khi trước đó đạt mức cao mọi thời đại là 5,670.81 điểm. Chỉ số Dow Jones hạ 15.9 điểm, tương đương 0.04%, xuống 41,606.18 điểm. Chỉ số này cũng ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.2% lên 17,628.06 điểm.

Mức cao kỷ lục mới của S&P 500 và Dow Jones đạt được trong giai đoạn khó khăn theo lịch sử đối với thị trường. Tháng 9 là tháng tồi tệ nhất đối với S&P 500 trong 10 năm qua, trung bình giảm 1.3%, theo dữ liệu của FactSet.

Nhà đầu tư cũng đã vượt qua những rào cản vào cuối mùa hè xuất phát từ những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu sản xuất và việc làm tháng 8 gây thất vọng đã gây ra một đợt bán tháo lớn trong phiên. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã phục hồi nhờ những dữ liệu công bố mang tính xây dựng hơn và kỳ vọng Fed hạ lãi suất.

Phố Wall đang chờ đợi đợt hạ lãi suất được mong đợi từ lâu của Fed vào chiều ngày 18/09, một động thái có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho các công ty sau khi bối cảnh chi phí vay tăng và lạm phát cao. Fed lần đầu tiên bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất mạnh vào tháng 3/2022.

Dữ liệu doanh số bán lẻ mới nhất cho thấy tình hình người tiêu dùng ổn định. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 tại Mỹ tăng 0.1%, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 0.2% từ các chuyên gia kinh tế, theo Dow Jones. Không tính xe ô tô, con số này cũng tăng 0.1%, thấp hơn một chút so với dự báo tăng 0.2%.

Trong khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào thứ Tư (18/09), thị trường vẫn chia rẻ về quy mô của đợt hạ lãi suất này. Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư hiện dự báo xác suất 63% ngân hàng trung ương sẽ giảm 0.5% lãi suất. Con số này tăng so với mức dự báo xác suất 47% hôm 13/09, nhưng thấp hơn dự báo trước đó là 67% vào ngày 17/09.

Theo một số nhà đầu tư, việc hạ lãi suất mạnh có thể làm dấy lên lo ngại về tình hình nền kinh tế.

Dầu tăng nhờ kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất

Svetlana Tretyakova, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Rystad Energy, cho rằng: “Việc gián đoạn nguồn cung đang để lại dấu ấn, bao gồm tác động của cơn bão Francine đối với cơ sở hạ tầng ở Vịnh Mexico của Mỹ.”

“Kỳ vọng Fed hạ lãi suất đang tăng lên, điều này có thể là tin tối đối với nhu cầu”, bà Tretyakova nói.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 1.10 USD, tương đương 1.57%, lên 71.19 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent thêm 95 xu, tương đương 1.31%, lên 73.70 USD/thùng.

Theo Cục An toàn và thực thi môi trường Mỹ, tính đến ngày thứ Ba, khoảng 100,000 thùng/ngày vẫn chưa trở lại khai thác tại vùng Vịnh do bão Francine. Theo cơ quan này, sản xuất từ các cơ sở không bị hư hại sẽ được đưa trở lại hoạt động ngay sau khi hoàn tất kiểm tra.

Thị trường dầu cũng đang chuẩn bị chờ đón quyết định lãi suất của Fed vào thứ Tư (18/09). Ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất, mặc dù Phố Wall vẫn chia rẽ về mức độ cắt giảm.

Giá dầu WTI đã sụt hơn 12% trong quý này, còn giá dầu Brent lao dốc hơn 13% khi nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ vào tháng 12/2024.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/pho-wall-di-ngang-dau-tang-hon-1-post117092.html