Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Tham gia BHXH tự nguyện sẽ dần trở thành thói quen, văn hóa của người dân

Theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Trần Đình Liệu, theo thống kê, vẫn còn trên 99% lực lượng lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện, đây là một vấn đề lớn để vận động mọi người dân tham gia đảm bảo mục tiêu BHXH toàn dân.

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Trần Đình Liệu

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng trưởng khá ấn tượng, nhất là trong hai năm trở lại đây (2018-2019). Xin ông cho biết, ngành BHXH đã triển khai những giải pháp nào để đạt được kết quả này?

- Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai thực hiện từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Với quyết tâm đưa Nghị quyết 28-NQ/TƯ nói riêng và các chính sách an sinh xã hội nói chung đi vào cuộc sống, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Để đạt được những kết quả trên là do hiện nay, không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt, nới rộng thời điểm đóng. Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn. Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách…

Tuy nhiên, theo thống kê, vẫn còn gần 99% lực lượng lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện, đây là một vấn đề lớn để vận động mọi người dân tham gia đảm bảo mục tiêu BHXH toàn dân.

Khu vực lao động phi chính thức là “dư địa” lớn, quan trọng nhất trong phát triển BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, điều kiện, đặc thù của khu vực này là thu nhập của người lao động thấp, bấp bênh cũng sẽ là một rào cản, thách thức không nhỏ. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai những kế hoạch, giải pháp gì, thưa ông?

- Nghị quyết 28-NQ/TƯ luôn được xác định là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Ngành BHXH, trong đó, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động. Tuy nhiên, công tác phát triển BHXH, nhất là BHXH tự nguyện hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay, hầu hết người dân chưa có thông tin đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện. Người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Trong khi đó, nếu đóng cả 5 chế độ thì với người lao động tự do, không có sự đóng góp cùng của doanh nghiệp sẽ là một gánh nặng lớn.

Về số tiền hưởng BHXH tự nguyện, nhiều người nghĩ là không hấp dẫn, không bằng việc gửi tiết kiệm. Trong khi với một phép tính đơn giản như: Nếu người dân đóng BHXH tự nguyện 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hàng tháng thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hàng tháng 154.000 đồng; cũng lớn hơn số tiền trợ cấp của Nhà nước 270.000 đồng/tháng cho người từ 80 tuổi. Mà số tiền này, người dân được hưởng ngay từ năm 55, 60 tuổi, không phải đợi đến 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Chỉ một phép tính đơn giản có thể thấy chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia.

Trước mắt, ngành BHXH sẽ tập trung xây dựng niềm tin của người dân đối với chính sách BHXH qua việc tập trung đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Trong đó, chú trọng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ để người dân không chỉ có niềm tin vào chính sách mà còn có niềm tin tưởng tuyệt đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH.

Thời gian gần đây, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri muốn biết về các giải pháp sẽ được ngành BHXH áp dụng để tiếp tục quản lý có hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng Quỹ BHXH thời gian tới. Việc Quỹ BHXH được quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả cũng là một yếu tố quan trọng trong củng cố niềm tin của người dân vào chính sách. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?

- Quỹ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được quản lý công khai minh bạch dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan. Kết quả thanh tra, kiểm toán hàng năm cho thấy, việc quản lý sử dụng quỹ BHXH, BHYT luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả và tiết kiệm. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm khẳng định tính bền vững, đảm bảo cân đối trong dài hạn. Trong vận hành Quỹ BHXH, công tác chi trả các chế độ cho người tham gia luôn được bảo đảm và tăng theo từng năm. Hiện, bình quân mỗi tháng có khoảng hơn 3 triệu người được cơ quan BHXH chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng với số tiền chi trả hàng chục ngàn tỉ đồng. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXHVN, người lao động và Nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng vào BHXH Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ.

Để bảo đảm tính bền vững Quỹ BHXH, BHYT trong thời gian tới, ngành BHXH cần phải phát triển, tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT tiến tới BHXH toàn dân

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra góp phần giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT; để người lao động khi tham gia vào thị trường lao động phải có trách nhiệm tham gia, nhưng đồng thời cũng là quyền được tham gia.

Và tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức đầu tư nguồn tài chính của quỹ với mục tiêu bảo toàn và phát triển có hiệu quả nguồn tài chính của quỹ theo hướng đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng mở rộng, sinh lời cao, đảm bảo an toàn và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/pho-tong-giam-doc-bhxh-viet-nam-tran-dinh-lieu-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-se-dan-tro-thanh-thoi-quen-van-hoa-cua-nguoi-dan-134555.html