Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Văn hóa là cùng nhân lên cái tốt và giảm cái xấu

Tại phiên họp sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình trước Quốc hội về vấn đề bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt; công tác đấu tranh với hành vi mê tín, dị đoan, trục lợi tâm linh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình và trả lời chất vấn trực tiếp để làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân

Về vấn đề bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nội dung này đã có khung pháp lý trong Hiến pháp và văn bản pháp luật khác. Các quy định này không ngừng được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi, khi đã ban hành thì thực hiện nghiêm, ai vi phạm phải bị xử lý. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã giao Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam, trong đó Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp Bộ về các khía cạnh khác nhau, chuẩn bị luận cứ, đến thời điểm thích hợp để trình cấp có thẩm quyền dự án luật về ngôn ngữ tiếng Việt. Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chuẩn bị. Trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt ngay trong sách giáo khoa từ mẫu giáo trở lên.

Liên quan đến hành vi lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, nâng cao dân trí để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Những hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương, phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hóa về những việc tốt, những việc chưa tốt, chưa đúng để cùng nhân cái tốt lên và giảm cái xấu. “Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra khá sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế đồng thời đề xuất những giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, một số nội dung trả lời của Bộ trưởng vẫn còn dài, giải pháp có điểm còn chung chung, nên phần nào chưa làm hài lòng một số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, văn hóa, thể thao, du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội, lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực thể thao, đã trở thành niềm tự hào, góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế của quốc gia. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, sự phát triển của kinh tế thị trường với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong nhân dân và dư luận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn. Theo đó, Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó lưu ý đến việc ban hành các văn bản phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết những nội dung có tính chất liên bộ, liên ngành; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật đồng thời với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Để phát huy được vai trò của văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của mọi tổ chức, các gia đình và từng người dân.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội hôm nay vừa thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mong muốn Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch thế giới. Để biến các chương trình, mục tiêu thành hiện thực, có những giải pháp có thể làm ngay nhưng cũng có những nội dung cần phải có chiến lược dài hạn, có sự phối hợp thống nhất của nhiều bộ, ngành, sự ủng hộ của xã hội và nhân dân. “Với mong muốn đó, Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang thực hiện, đồng thời mong muốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phan Phương - Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-chinh-phu-vu-duc-dam-van-hoa-la-cung-nhan-len-cai-tot-va-giam-cai-xau-20190606114025093.htm