PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG DỰ HỘI THẢO GIÁO DỤC VIỆT NAM 2020 VỚI CHỦ ĐỀ 'TỰ CHỦ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC - TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾN THỰC TIỄN'

Ngày 27/11/2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, với chủ đề 'Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn'. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Toàn cảnh Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020.

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; nguyên lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại biểu Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và 200 đại biểu là nhà hoạch định chính sách, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, nhà quản lý giáo dục tham dự hội thảo; hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chủ động, năng động, sáng tạo trong tổ chức các cuộc hội thảo về giáo dục đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong nước và ngoài nước cùng bàn về những vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đã trở thành diễn đàn thường niên. Hội thảo là hoạt động quan trọng gắn Quốc hội với cử tri, gắn việc thực hiện chính sách của Nhà nước với các nhóm chủ thể liên quan trực tiếp, đây cũng là cách làm mới, hiệu quả cần phát huy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc, được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước. Với Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội. Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục đại học với chức năng đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, nhiều chính sách mới được ban hành và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên trong thực thi còn có khó khăn, rào cản, còn khoảng cách là những thách thức đòi hòi phải đổi mới của giáo dục đại học ở Việt Nam. Do vậy, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chính sách cùng trao đổi thảo luận, trên cơ sở đó đề xuất ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về cơ chế chính sách về lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung: Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền này; Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm của Hội đồng trường; Quy tổ chức và hoạt động; Quy chế tài chính; Quy chế quản lý nội bộ; Quyền tự chủ trong tổ chức nhân sự và cơ cấu tổ chức; Việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính…

Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, với chủ đề “Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra trong 1 ngày, là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ giáo dục đại học, nhất là từ sau khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ trong giáo dục đại học; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả tự chủ trong giáo dục đại học; phát huy tính sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: Quản trị và tài chính của giáo dục đại học Việt Nam - Ưu tiên về chính sách; Triển khai chính sách, pháp luật về tự chủ đại học ở Việt Nam; Tự chủ đại học - từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát; Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học; Cơ chế quản trị của Hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học; Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của đại diện chủ sở hữu cơ sở giáo dục đại học; Trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục đại học; Sở hữu tài sản trong tự chủ đại học…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, các ý kiến tại hội thảo đều cơ bản thống nhất với chủ trương đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 đã luật hóa tinh thần tự chủ đại học, là bước tiến dài của giáo dục đại học Việt Nam, chuyển từ tự chủ chuyên môn đến tự chủ tài chính và tổ chức. Đổi mới giáo dục đại học là cả quá trình, nhưng hiện nay mới chỉ thực hiện được một bước, trong đó có 5 điểm cần thực hiện trong quá trình tự chủ đại học đó là: Tự chủ phải đi từ chuyên môn - có mô hình quản trị tiên tiến; tự chủ gắn với giải trình - không chỉ giải trình với cơ quan Nhà nước mà giải trình với toàn xã hội; tự chủ không có nghĩa nhà nước không đầu tư mà thông qua hình thức đặt hàng đào tạo; tự chủ là quản lý bằng pháp luật; tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo và đối tượng chính sách. Để thực hiện tự chủ đại học hiệu quả, cần thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật và chuyển dần quyền lực từ cơ quan chủ quản sang Hội đồng trường, dịch chuyển một phần quyền từ Hiệu trưởng sang Hội đồng trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử của trường chi tiết nhằm thực hiện quy định trách nhiệm giải trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, hiện nay những vướng mắc về quản lý Nhà nước liên quan đến tự chủ đại học không nhiều,những bất cập hiện nay chủ yếu liên quan đến công tác quản lý viên chức, tiền lương, ngân sách đầu tư và cơ chế đặt hàng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh thực hiện tự chủ đại học là quá trình dài và liên tục do vậy, các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Chính phủ ghi nhận, tổng hợp trên tinh thần cầu thị; đồng thời thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến tự chủ đại học./.

Lan Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50243