Phim tài liệu điện ảnh đã sẵn sàng so tài phòng vé?

Sau thành công của bộ phim tài liệu âm nhạc đầu tiên của Việt Nam 'Sky Tour Movie' về ca sĩ Sơn Tùng M-TP với doanh thu 10,6 tỷ đồng sau 10 ngày ra rạp thì 'Đoạn trường vinh hoa' kể về gánh hát tuồng cổ vừa có những suất chiếu hạn chế tại rạp BHD Star mở ra cơ hội thưởng thức mới cho khán giả về thể loại tài liệu điện ảnh Việt.

Đề tài cũ được làm mới

Ngày 13-11, bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” (đạo diễn Lê Mỹ Cường) chính thức ra rạp thương mại với các suất chiếu giới hạn trong 2 tuần ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Đây cũng là bộ phim tài liệu thứ 2 ra rạp sau “Sky Tour Movie” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong năm 2020. Dự án phim tài liệu được lựa chọn phát sóng trên truyền hình chương trình VTV đặc biệt.

“Đoạn trường vinh hoa” được giới thiệu là bộ phim kể về hành trình của gánh hát tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính của bộ phim) rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây để trình diễn. Để thực hiện dự án, đoàn làm phim đã cùng ăn, cùng ở với những người nghệ sĩ để hiểu về cuộc sống sau tấm nhung trên sân khấu. 18 tháng rong ruổi cùng gánh hát tuồng cổ, đoàn làm phim trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là sự e ngại từ ánh mắt ban đầu của những nghệ sĩ trong gánh hát, đó là ranh giới của sự sẻ chia, đồng cảm,… Nhờ kiên trì theo đuổi và hơn hết là tâm lý chân thành, đoàn làm phim nhận được tin tưởng của các nghệ sĩ để họ có thể thoải mái chia sẻ về câu chuyện đời, chuyện nghề.

Xuyên suốt bộ phim là mạch tự sự của nữ chính Phương Ánh. Bộ phim cuốn chút khán giả không chỉ câu chuyện đời của những “ông hoàng, bà chúa” sân khấu, đó còn là cuộc sống chân lấm tay bùn, cuộc sống nghèo khó đeo bám nhưng họ chưa từng có ý định bỏ nghề. Từng góc riêng tư cuộc sống nghệ sĩ được phơi bày từ các hình ảnh hóa trang, tranh thủ giấc ngủ sau giờ diễn,… được nhà làm phim chăm chút hình ảnh qua việc thực hiện các góc máy quay như những thước phim điện ảnh, khơi gợi cảm xúc cho khán giả. Tại các suất chiếu đầu tiên, không ít khán giả đã rơi nước mắt khi chứng kiến muôn nghìn cảm xúc chìm nổi trong những chuyến đi không khi nào có điểm dừng, tình yêu giữ lửa nghệ thuật truyền thống.

Theo đạo diễn Lê Mỹ Cường, “Đoạn trường vinh hoa” được thực hiện theo hướng tài liệu điện ảnh trực tiếp quay hình trong suốt 18 tháng với hơn 100 giờ quay (từ tháng 3-2019 – 7-2020) và có dựng bản phim chính thức 50 phút. Bộ phim từng được chiếu miễn phí tại Trung tâm văn hóa Pháp vào tháng 10-2020 trước khi khởi chiếu chính thức tại chương trình VTV đặc biệt.

Kể về quá trình quay phim, đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết: Tại Đình thần Phước Thới, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau gần 4 tháng theo chân gánh hát, lần đầu tiên chị Hai (nghệ sĩ Phương Anh) cho chúng tôi quay những frame hình đầu tiên. Bản thân là người cầm máy, chúng tôi vẫn còn rất ngại ngùng. Nhưng dù là như thế, với chúng tôi đây đã là một bước tiến lớn trong việc tạo lòng tin với nhân vật của mình”.

Hậu trường gánh hát tuồng cổ Cần Thơ. Ảnh Đoàn làm phim

Cơ hội nào cho phim tài liệu điện ảnh?

Biên kịch Thanh Nguyễn, đồng tác giả “Đoạn trường vinh hoa” từng chia sẻ: “Đối với những người theo đuổi và thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể đồng hành trong đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những dịnh kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình và sau cùng là kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà chúng đã được sống”. Sau 2 tuần công chiếu tại rạp thương mại, toàn bộ lợi nhuận thu sẽ được đoàn làm phim “Đoạn trường vinh hoa” gửi về cho gánh hát nhằm ủng hộ bộ môn nghệ thuật tuồng cổ vốn đang dần mai một ở miền Tây.

Vài năm trở lại, phim tài liệu được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân rất tích cực đổi mới sản xuất lẫn tìm kiếm thêm kênh phát hành mới. Dung lượng phim có sự thay đổi, thời lượng phim dài, đủ điều kiện chiếu rạp. Khán giả biết đến nhiều hơn từ bộ phim tài liệu độc lập “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đạo diễn Nguyễn Thị Thắm năm 2014. Sau đó là “Lửa Thiện Nhân” (đạo diễn Đặng Hồng Giang - 2015), chùm phim ngắn “Đáng sống” (đạo diễn Đặng Hồng Giang - 2016), “Đi tìm Phong” (đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus - 2018), “Những cánh én đầu tiên” (đạo diễn Lê Nguyên Bảo - 2019)…

Nhìn ở kỳ liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam diễn ra năm thứ 11 năm 2020, các bộ phim tài liệu Việt Nam góp mặt số lượng hạn chế, trong đó điện ảnh Việt ra rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau phát súng của “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) và bộ phim “Đi tìm Phong” (đạo diễn Trần Phương Thảo), rất ít những tác phẩm được công chúng đón nhận. Bởi vậy để phim tài liệu điện ảnh cần nhiều hơn những đạo diễn, nhà viết kịch bản dám dấn thân, miệt mài với đề tài, có cách tiếp cận và thể hiện phim mới mẻ, thu hút khán giả, nâng tầm phim tài liệu Việt.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-tai-lieu-dien-anh-da-san-sang-so-tai-phong-ve-218148.html