Philippines phê duyệt 'gạo vàng' GMO để sản xuất thương mại

Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sản xuất thương mại 'gạo vàng' biến đổi gen (GMO) được kỳ vọng để chống lại bệnh mù lòa ở trẻ em.

Dấu mốc quan trọng

Philippines trở thành quốc gia đấu tiên phê chuẩn sản xuất thương mại 'gạo vàng' biến đổi gen. Ảnh: AFP

Các nhà nghiên cứu ra loại gạo vàng biến đổi gen vừa cho biết, hôm nay (23/7) sản phẩm của họ đã được các cơ quan quản lý của chính phủ Philippines cấp giấy phép an toàn sinh học –chính thức mở đường cho loại gạo được làm giàu bằng tiền chất vitamin A beta-carotene để làm cho nó có nhiều dinh dưỡng hơn – từ đó sẽ được sản xuất trên khắp đất nước.

"Đó là một bước tiến thực sự quan trọng đối với dự án của chúng tôi và gạo vàng sẽ được công bố là an toàn giống như các loại gạo thông thường", Russell Reinke thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines nói với AFP.

Dự kiến, bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ "lấy vài kg hạt giống gạo vàng GOM và nhân lên ... để nó có thể được phổ biến rộng rãi hơn", ông Russell Reinke nói.

IRRI đã dành hai thập kỷ hợp tác, làm việc với Bộ Nông nghiệp Philippines để phát triển loại gạo vàng - được đặt tên theo màu vàng tươi của nó.

Các quan chức cho biết, đây là loại gạo biến đổi gen đầu tiên được chấp thuận để nhân giống thương mại ở Nam và Đông Nam Á.

Trước đó, gạo vàng đã phải đối mặt với những làn sóng phản đối mạnh mẽ của các tổ chức môi trường đối lập chống lại các loại cây lương thực sử dụng kỹ thuật di truyền để biến đổi gen. Ít nhất một cánh đồng trồng thử nghiệm loại gạo này ở Philippines đã bị tấn công, phá phách bởi các nhà hoạt động.

Theo giới quan sát, mặc dù đã vượt qua rào cản pháp lý cuối cùng, tuy nhiên gạo vàng vẫn khó có thể xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày. "Số lượng hạt giống có hạn" và sớm nhất cũng phải sang năm tới mới có thể bắt đầu được phân phối cho nông dân Philippines ở các tỉnh sản xuất.

Gạo vàng là gì?

Giống lúa "gạo vàng" được tạo ra bằng cách chèn 3 gen từ cây trồng khác (1 gen từ vi khuẩn và 2 gen còn lại từ cây thủy tiên hoa vàng) vào trong bộ gen cây lúa tạo ra hàm lượng beta-carotene có thể chuyển hóa thành Vitamin A chống mù lòa. Ảnh: Getty

Theo ông Russell Reinke, gạo vàng được phát triển từ giống lúa được tăng cường hàm lượng beta-carotene thông qua công nghệ biến đổi gen - beta-carotene có thể chuyển hóa thành Vitamin A sau khi cơ thể tiêu thụ. Việc nghiên cứu và phát triển gạo vàng nhằm mục đích hỗ trợ giảm thiểu các bệnh liên quan tới tình trạng thiếu hụt Vitamin A –vốn cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch và thị lực, đặc biệt là tại các nước mà gạo là nguồn lương thực chính.

Theo thống kê, thiếu hụt vitamin đang gây ra những tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho hàng triệu trẻ em và phụ nữ mang thai trên toàn cầu. Vì thế, IRRI đầu tư vào sản xuất giống lúa GMO này với hy vọng giải quyết được vấn đề trên.

Ngoài giống lúa GMO nói trên, hiện IRRI đang phát triển các giống lúa khác có khả năng tăng cường thành phần sắt, kẽm và beta-carotene nhằm giúp con người hấp thu được nhiều hơn các chất vi lượng quan trọng. Những người đưa ra ý tưởng này cho rằng, nếu thành công các giống lúa này có thể giúp thực hiện các mục tiêu toàn cầu hiện nay về khắc phục tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của con người.

"Với dấu mốc hôm nay, nông dân sẽ có thể trồng gạo vàng theo cách giống hệt như các giống thông thường ... mà không cần thêm phân bón hoặc thay đổi trong cung cách quản lý để cải thiện dinh dưỡng".

Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, sự thiếu hụt vitamin A gây ra tới 500.000 trường hợp mù lòa ở trẻ em hàng năm, với một nửa trong số đó chết trong vòng 12 tháng sau khi mất thị lực. Theo IRRI, gần 17% trẻ em dưới 5 tuổi ở Philippines bị thiếu vitamin A.

Ông Russell Reinke cho hay, trước đó gạo vàng đã được các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở Úc, Mỹ và Canada phân tích và đá nó vẫn chưa được chấp thuận để sản xuất thương mại ở các quốc gia này.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/philippines-phe-duyet-gao-vang-gmo-de-san-xuat-thuong-mai-d297893.html