Phạt tiền khi không phân loại rác, cần thiết nhưng cần có lộ trình

Nghị định 45 của Chính phủ ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải tại nguồn và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 8 năm 2022. . Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Rác sau khi phân loại sẽ được thu gom, vận chuyển, xử lý như thế nào ?

Phân loại rác tại nguồn là cần thiết

Do chưa có hệ thống xử lý chất thải, khu tập kết rác của xã Minh Quang (Tam Đảo) ngày càng quá tải, nhằm giảm tải lượng rác thải xả ra môi trường, giảm áp lực cho khu xử lý rác thải, năm 2021, xã đã phát động mỗi hộ gia đình đào một hố rác tại vườn nhà, tiến hành phân loại rác thải, rác thải hữu cơ được chôn lấp tại hố rác gia đình, ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, rác thải vô cơ được thu gom, xử lý tại khu xử lý rác tập trung. Đến nay, phần lớn các hộ dân đều có hố rác và thùng đựng rác, việc phân loại rác tại nguồn đã được phần lớn hộ dân nghiêm túc thực hiện, giảm đáng kể lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày, giảm áp lực cho khu tập kết rác của xã.

Công nhân HTX Dịch vụ môi trường Tam Phúc (Vĩnh Tường) thu gom, phân loại rác thải trên địa bàn

Đến thôn Yên Quán, xã Bình Định (Yên Lạc), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi môi trường sạch đẹp nơi đây. Đồng chí Bùi Kim Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Đầu năm 2022, UBND xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân tiến hành phân loại rác ngay tại nguồn để giảm lượng rác xả ra môi trường. Xã đã cấp phát cho mỗi hộ dân 2 thùng rác và lắp đặt kệ để rác, cử cán bộ hướng dẫn tuyên truyền về việc phân loại rác tại nguồn. Đến nay, tại mỗi gia đình, rác được phân thành 2 loại : rác vô cơ và rác hữu cơ, được đặt đúng nơi quy định. Hằng ngày, vào khoảng 4h30 sáng, đội vệ sinh môi trường thôn sẽ tiến hành thu gom rác thải. Bởi vậy, trong thôn không có tình trạng đổ trộm rác thải, rác vứt bừa bãi mà không được thu gom.

Việc phân loại rác thải tại nguồn không phải là việc làm mới và đã được một số địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai từ nhiều năm nay. Bởi vậy, khi hỏi về quy định phân loại rác thải tại nguồn sẽ bị xử phạt tối đa đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện nghiêm túc, nhiều người dân tỏ ý đồng tình, ủng hộ. Ông Trần Xuân Chiến, thôn Yên Quán, xã Bình Định cho biết: Tôi ủng hộ chủ trương đó, bởi khi bị xử phạt, mỗi người dân sẽ tự giác nhắc mình và người thân phải chấp hành nghiêm việc phân loại rác.

Cùng chung quan điểm đó, bà Lâm Thị Lý, thôn Lưu Quang, xã Minh Quang (Tam Đảo) cho biết: Các hộ dân ở thôn và bản thân gia đình tôi đã thực hiện việc phân loại rác từ hơn 1 năm nay, đã góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường và còn tận dụng được rác hữu cơ làm phân bón cho cây. Từ nhiều lợi ích đó, việc phân loại rác là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia về môi trường, việc phân loại rác là việc làm cần thiết, không chỉ giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải mà còn tạo thói quen tốt cho mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường. Nhất là trong bối cảnh lượng rác thải ra ngày càng nhiều, trong khi phần lớn các địa phương hiện nay chỉ xử lý theo phương pháp thủ công như đốt, chôn lấp.

Nhưng cần có lộ trình

Chỉ còn gần 1 tháng nữa Nghị định 45 sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng chưa ban hành các văn bản hướng dẫn, nên các địa phương còn đang “nghe ngóng”.

Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại gia đình của Hội Phụ nữ xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Trường Khanh

Nghị định có lộ trình 3 năm để triển khai đồng bộ tại các địa phương, tuy nhiên, để những quy định về xử phạt khi không phân loại rác sớm đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền vận động nhân dân cần được triển khai mạnh mẽ để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành việc phân loại rác tại nguồn. Thực tế cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được một số địa phương triển khai nhưng vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và triệt để nên hiệu quả chưa cao. Theo quy định, rác sau khi được phân loại sẽ được thu gom riêng, chở đến nơi tập kết khác nhau và xử lý hoặc tái chế theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, tại các địa phương rác sau khi được phân loại, vẫn được thu gom chung và xử lý theo phương pháp thủ công, chưa có phương pháp xử lý triệt để, khiến việc phân loại rác không đạt hiệu quả như mong muốn. Tại thôn Yên Quán, xã Bình Định, việc phân loại rác được các gia đình thực hiện khá nghiêm túc, đội vệ sinh môi trường cũng đã chia thùng rác thành 2 ngăn để tiện cho việc thu gom. Nhưng do chưa có khu xử lý riêng nên rác đã phân loại lại được gom tập trung để đốt thủ công.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ thu gom, xử lý rác thải của các địa phương hiện nay còn thiếu, công việc vất vả, thu nhập của lao động làm công việc này thấp nên nhiều người chưa mặn mà. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu sau khi rác được phân loại, phần lớn các địa phương đ đang thu gom, xử lý rác thải theo phương pháp đốt, chôn lấp thủ công.

Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 45 của Chính phủ, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm khắc phục những khó khăn trên. Đồng thời cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để người dân nâng cao nhận thức và nghiêm túc chấp hành.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81436/phat-tien-khi-khong-phan-loai-rac-can-thiet-nhung-can-co-lo-trinh.html