Phát huy truyền thống, xây dựng Đắk Nông mạnh giàu, tươi đẹp, nghĩa tình

Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hôm nay tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển.

Đóng góp trong sự nghiệp thống nhất đất nước

Đắk Nông là vùng đất cổ, nằm trên cao nguyên M’nông, cuối dãy Trường Sơn, giữ vị trí rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Trong kháng chiến, tỉnh là cái nôi của phong trào chống thực dân Pháp trên Tây Nguyên; có đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đi qua, tuyến đường chi viện sức người, sức của cho công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Địa điểm chiến thắng Đồi 722 - Đắk Sắk, huyện Đắk Mil là một trong những di tích lịch sử ghi dấu ấn sâu đậm với những trận đánh oanh liệt. Ảnh: Nguồn daknong.gov.vn

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, từ tháng 12/1960, quân và dân các dân tộc đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng, bảo vệ vững chắc tuyến đường hành lang chiến lược Bắc – Nam. Trong đó, chiến thắng Đức Lập (9/3/1975) đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây thị xã Buôn Ma Thuột của địch. Ngày 23/3/1975, giải phóng thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông có truyền thống yêu nước cách mạng, yêu lao động, tràn đầy sức sáng tạo và khát vọng vươn lên, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, chung ý chí chiến đấu giành được nhiều thắng lợi. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Đắk Nông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân các địa phương, đơn vị: huyện Đắk Mil; huyện Đắk R’lấp; xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp; xã Nâm Nung, huyện Krông Nô; xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; Tiểu đoàn 301 (BCHQS tỉnh); Đồn Biên phòng Bu P’răng (BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh)… đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Chung sức xây dựng quê hương

Đắk Nông đã trải qua 5 lần tách, 6 lần nhập. Cho dù trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử nào, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương. Năm 2024, đúng vào ngày 23/3, tròn 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa, Đắk Nông vinh dự, tự hào được đón nhận phần thưởng cao quý - Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là phần thưởng của Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, có bề dày truyền thống, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Nhìn lại thành quả Đắk Nông 20 năm xây dựng và phát triển, đóng góp tích cực vào thành tựu gần 40 năm đổi mới của đất nước, ta thấy thêm tự hào. Từ một địa phương nghèo, với xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông qua các nhiệm kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc.

Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển, đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển, với những dấu ấn nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô tổng sản phẩm gấp 12 lần, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với năm 2004.

Một góc TP. Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Ngô Minh Phương

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông mới đây, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, với tư duy phát huy tiềm năng, lợi thế, nội lực là nền tảng, ngoại lực là quan trọng, Đắk Nông đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố để thu hút đầu tư, kết nối giao thương, triển khai các công trình giao thông quan trọng để tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành để xúc tiến sớm triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, hứa hẹn tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các dân tộc. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhờ huy động tối đa sức dân, tranh thủ sự đồng thuận, đến nay, trên 50% số xã của Đắk Nông đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 2%; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 4%. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của cả nước.

Đắk Nông đã và đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có sự khởi sắc mạnh mẽ, khang trang, sạch đẹp hơn, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới, với khát vọng vươn lên, hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Đắk Nông có thế trận quốc phòng - an ninh được giữ vững; chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được củng cố và tăng cường.

Hướng đến tỉnh mạnh, dân giàu

Đắk Nông là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với 2 di sản được quốc tế công nhận là không gian văn hóa cồng chiêng và công viên địa chất toàn cầu. Vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp và du lịch; có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là khoáng sản bô xít, để phát triển thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và sau nhôm của cả nước.

Đắk Nông là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với 2 di sản được quốc tế công nhận là không gian văn hóa cồng chiêng và công viên địa chất toàn cầu

Chặng đường phía trước mở ra cho Đắk Nông nhiều cơ hội phát triển mới. Để thực hiện mục tiêu tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, Đắk Nông tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảng bộ tỉnh thấm nhuần và quán triệt sâu sắc quan điểm “phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Giai đoạn tiếp theo, Đắk Nông có những điều kiện thuận lợi bởi Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, là "kim chỉ nam" để Đắk Nông thực hiện. Quy hoạch đã định hình rõ không gian phát triển, bộ khung chung và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế được định hướng rõ nét… Tỉnh xác định được các vùng động lực, các cực tăng trưởng quan trọng; phác thảo các hành lang kinh tế theo trục.

Đắk Nông khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh theo phương châm phát triển: “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”. Khai thác gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, có giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Đi đôi với đó, Đắk Nông kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người Đắk Nông, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân các dân tộc…

Là địa phương có 40 dân tộc cùng sinh sống, Đắk Nông tập trung các nguồn lực chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện một số chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

Với vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, “phên dậu” của Tổ quốc, tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc ngay từ cơ sở…

Đắk Nông sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần “đi sau, vượt trước”. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, cùng sự đoàn kết, đồng lòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Đắk Nông trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

P.V

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/phat-huy-truyen-thong-xay-dung-dak-nong-manh-giau-tuoi-dep-nghia-tinh-210038.html