Phát huy giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức của Phật giáo

Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ tuyên truyền, làm rõ những đóng góp của Phật giáo Việt Nam mà còn góp phần nói lên tiếng nói của lẽ phải trong các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền.

Các Hòa thượng, tăng ni thực hiện nghi thức tắm Phật tại Đại lễ kính mừng Phật đản Phật lịch 2564. (Ảnh: TTXVN phát)

Các Hòa thượng, tăng ni thực hiện nghi thức tắm Phật tại Đại lễ kính mừng Phật đản Phật lịch 2564. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 20/11, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập và Hội thảo khoa học với chủ đề "30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và định hướng."

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học cho biết, 30 năm qua, Phân viện và tạp chí đã có những đóng góp về phương diện học thuật, hoằng dương Phật pháp, cũng như phản ánh về đời sống tôn giáo tốt đẹp tại Việt Nam, trọng tâm là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các mặt của đời sống tôn giáo.

Trong lĩnh vực đối ngoại, tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ tuyên truyền, làm rõ những đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác quốc tế, mà còn góp phần nói lên tiếng nói của lẽ phải trong các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.

“Mỗi lần đi công tác nước ngoài, các chư tăng đều mang tạp chí, tập văn biếu, tặng bà con Việt kiều, để bà con thêm hiểu về đạo lý tốt đẹp của Phật giáo, về sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng người Việt Nam và được học hỏi về Phật pháp. Đặc biệt là trong các phiên đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền, tạp chí Nghiên cứu Phật học là một trong những bằng chứng khẳng định Nhà nước Việt Nam cho in ấn các kinh bổn, kinh sách để phổ biến tới người dân, tùy theo tín ngưỡng của họ. Người dân được tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước tạo điều kiện cho hoạt động này,” Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Trải qua 30 năm thực hiện công tác nghiên cứu, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản một số tác phẩm kinh điển, luật tạng tiêu biểu như: Luật Tứ phần, từ điển Hán Việt, từ điển Phật học Hán Việt...

Phân viện cũng tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số viện, trường đại học ở trong và ngoài nước; tổ chức nhiều lớp nghiên cứu viên cho tăng, ni sinh đã tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội về phương pháp nghiên cứu Phật học; bổ túc và nâng cao kiến thức về Phật học.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học bên cạnh đăng tải các công trình nghiên cứu về sử học, triết học và Phật học, còn là một kênh thông tin truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo, để chức sắc, Phật tử thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp.

Những ấn phẩm phát hành trong 30 năm qua là minh chứng cụ thể cho việc hoằng dương Phật pháp, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức của Phật giáo. Tư tưởng minh triết và những giá trị nhân văn của Phật giáo đã mang lại sự bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt, khẳng định Phật giáo là tôn giáo hòa bình, nhập thế và luôn đồng hành cùng dân tộc.

Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập và Hội thảo khoa học "30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và định hướng" sẽ diễn ra vào ngày 27/11, tại chùa Quán Sứ - trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-huy-gia-tri-truyen-thong-van-hoa-dao-duc-cua-phat-giao/677989.vnp