Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 19

Vào đầu thế kỷ 13, Trung Quốc bị Kim là bộ tộc phía Bắc Trung Quốc tấn công. Kim chiếm phía Bắc sông Hoài. Quý tộc nhà Tống chạy xuống miền Nam lập ra nhà Nam Tống (1127 - 1279). Năm 1234, quân Mông Cổ đánh chiếm miền Bắc Trung Quốc, tiêu diệt nước Kim. Năm 1279, quân Nguyên sau một quá trình lâu dài xâm lược Trung Quốc đã lật đổ nhà Tống, thiết lập nên triều đại nhà Nguyên (1279 - 1368).

Do chính sách áp bức dân tộc công khai, thuế má nặng nề, năm 1368, nhà Nguyên bị phong trào nông dân Trung Quốc do Chu Nguyên Chương lãnh đạo lật đổ. Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Minh (1368 - 1644).

Thời kỳ đầu dưới triều Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương), đến Minh Thành Tổ là thời kỳ cường thịnh của chế độ phong kiến Trung Quốc. Từ năm 30 của thế kỷ 15, nhà Minh suy nhược và năm 1644, Mãn Thanh một dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc đã đánh chiếm Bắc Kinh lật đổ triều Minh. Triều Thanh được thiết lập. Triều Thanh tồn tại từ 1644 đến năm 1911 và dưới thời Khang Hy (1662 - 1722) đã đạt tới sự thịnh vượng nhất. Chính Khang Hy đã dự báo sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đối với Trung Quốc. Quả nhiên năm 1840, chủ nghĩa tư bản phương Tây do Anh cầm đầu tấn công Trung Quốc, gây ra hai cuộc chiến tranh nha phiến, buộc Trung Quốc mở cửa thông thương và cắt, bán đất cho chúng, Trung Quốc bước vào thời kỳ nửa thuộc địa nửa phong kiến. Tuy vậy mãi tới năm 1911, triều Mãn Thanh mới bị lật đổ bởi cuộc cách mạng tư sản do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Chế độ phong kiến Trung Quốc kéo dài 2000 năm chấm dứt.

II. Pháp luật cổ- trung đại Trung Quốc

Lịch sử pháp chế Trung Quốc có từ lâu đời, khi có nhà nước là có pháp luật, tức là pháp luật xuất hiện từ thời Hạ, qua Thương, Chu. Tuy vậy, mãi tới thời Đông Chu (Xuân Thu - Chiến Quốc), pháp luật thành văn mới ra đời và ở mỗi nước chư hầu mới có hệ thống pháp luật riêng.

Ở thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng ra sức sửa sang chỉnh đốn đất nước bằng chế độ pháp trị, hình pháp nghiêm ngặt. Tướng quốc Thương Ưởng đã sửa đổi bộ “Pháp kinh” của Lý Khôi (423-445 trước Công nguyên), nước Ngụy soạn để dùng. Sau khi thống nhất Trung Quốc xây dựng quốc gia quân chủ chuyên chế tập quyền, Thừa tướng Lý Tư nhà Tần đã soạn bộ “Tần luật”. Đây là bộ luật cổ nhất của Trung Quốc còn lại. Trong bộ luật này, ngoài những quy phạm về hình sự còn có phần liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế hành chính, tố tụng và quân luật. Luật còn viết nhiều đến sinh hoạt xã hội.

Đến thời Hán, Hán Cao Tổ (Lưu Bang) trong khi cai trị lấy nhân trị làm đầu, phục hồi nho học, còn hình phạt chỉ là bổ trợ. Hán Cao Tổ sai Thừa tướng Tiêu Hà tham khảo bộ “Pháp kinh” của Lý Khôi, bộ “Tần luật” soạn ra bộ “Cửu chương luật” bao gồm 9 chương. Năm 167 trước công nguyên, Hán Văn Đế (179 - 157 trước Công nguyên) đã cải cách hình luật, giảm nhẹ cực hình bằng các hình thức khác. Đến đời Hán Vũ Đế (140 - 87 trước công nguyên), chế định thêm vào “Cửu chương luật” 27 chương, tổng cộng luật thời đó có 60 chương gọi là “Hán luật”. Đời Hán, Nho giáo có thể vận dụng để giải thích pháp luật và kết án. Như vậy, lý thuyết Nho giáo được nhà nước nâng lên thành quy phạm pháp luật.

Đến đời Tấn, năm 267 ban hành “Tấn luật” trên cơ sở “Hán luật” theo nguyên tắc bỏ bớt phần hà khắc. Luật nhà Tấn đã đưa chế độ tang phục vốn thuộc “lễ” thành tiêu chuẩn định tội trong hình luật.

Thời Nam Bắc triều, ở nước Tề (420-569) có soạn “Bắc Tề luật” gồm 12 thiên, 949 điều trong đó đáng chú ý là quy định 10 điều trọng tội: phản nghịch, đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, bất kính, bất hiếu, bất nghĩa, bất mục, nội loạn. Đó là tiền thân của các quy phạm pháp luật “Thập ác” trong luật phong kiến Trung Quốc về sau.

Đời nhà Tùy, Tô Uy đã soạn ra bộ luật mới là “Luật khai hoàng”, sau đó có thêm “Luật đại nghiệp”. Ở đời Tùy mười điều trọng tội theo luật Bắc Tề được gọi tên là “Thập ác”. Phạm tội thập ác dù là bát nghị, 8 hạng người được miễn giảm, khi phạm các tội khác, cũng không được miễn giảm.

Đến đời nhà Đường có chủ trương “An ninh nhân quốc” (nhân dân yên ổn, đất nước thái bình), “Ước pháp tình hình” (pháp luật đơn giản hình phạt nhẹ). Đời Đường Cao Tổ (618 - 627) soạn bộ “Luật Vũ Đức” gồm 500 điều ban hành năm 624. Ngoài ra còn có 309 quyển lệnh quy định thể chế quốc gia và pháp quy của chế độ và 14 quyển thức quy định thể thức công văn, lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước.

Đời vua Đường Thái Tông (627 - 650) sai Phòng Huyền Linh san định lại luật “Vũ Đức” thành luật “Trinh Quán” cũng gồm 500 điều, 60 quyển lệnh, 18 quyển cách, 20 quyển thức.

Thời Đường Cao Tông (650 - 658), Trưởng Tôn Vô Kị và 19 người khác đã soạn ra luật “Vĩnh Huy” còn gọi là “Đường luật sớ nghị” ban hành năm 652, niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ 3. Qua nhiều lần sửa đổi “Đường luật sớ nghị” ban hành năm 737. Đến đời vua Huyền Tông (713 - 756) “Đường luật sớ nghị” trở nên hoàn thiện. Đây là bộ luật còn lại cho đến ngày nay, là bộ luật quan trọng bậc nhất trong nền pháp chế Trung Hoa, có ảnh hưởng lớn đến các bộ luật Trung Quốc sau này và các bộ luật vương triều Lý, Trần, Lê của Việt Nam.

“Đường luật sớ nghị” gồm 30 quyển, 12 thiên, với 502 điều. 12 thiên là:

Danh lệ (6 quyển, 57 điều): Định nghiệp và nguyên tắc.
Vệ cấm (2 quyển, 33 điều): Quy định về lính nhà vua và các điều cấm.
Chức chế (3 quyển, 58 điều): Quy định về quan chức.
Hộ hôn (2 quyển, 46 điều): Kiểm tra dân số, hôn nhân gia đình.
Khái khố (1 quyển, 28 điều): Công khố
Thiên hưng (1 quyển, 28 điều): Chuồng voi, chuồng ngựa của nhà vua, quân đội.
Đạo tặc (4 quyển, 54 điều): Trộm cướp.
Đấu tụng (4 quyển, 59 điều): Đánh nhau, kiện cáo.
Trá ngụy (1 quyển, 27 điều): Gian dối.
Tạp luật (2 quyển, 67 điều): Linh tinh.
Bộ vọng (1 quyển, 18 điều): Việc bắt các tù trốn.
Đoản ngục (2 quyển, 34 điều): Việc xử án và giam.

Về tội phạm: “Đường luật sở nghị” quy định hoàn chỉnh các chế định về thập ác.

Theo luật nhà Đường, nội dung thập ác được quy định bao gồm 10 hành vi nguy hiểm bậc nhất sau đây:

Mưu phản: Lật đổ sự thống trị của vua.
Mưu đại nghịch: Pháp hủy đền đài, lăng tẩm của vua.
Mưu bạn: Phục vụ nước địch, phản bội tổ quốc.
Ác nghịch: Mưu giết hại đánh đập ông bà, cha mẹ, các tôn thuộc.
Bất đạo: Vô cớ giết chết nhiều người cùng một nhà.
Đại bất kính: Lấy trộm các đồ tế trong lăng tẩm, làm giả ấn nhà vua.
Bất hiếu: Cáo giác, chửi rủa ông bà, cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ, tự ý bỏ nhà, phân chia tài sản, cưới vợ, cưới chồng khi có tang cha mẹ. Vui chơi, ăn diện, trang sức trong tang chế, được tin ông bà, cha mẹ chết mà không phát tang hoặc phát tang giả dối.
Bất mục: Mưu giết hay bán các thân thuộc (cho đến ngũ đại) đánh đập, cáo giác chồng hay các tôn thuộc (cho đến 5 đời).
Bất nghĩa: Giết quan lại sở tại hoặc thầy dạy, không để tang chồng, ăn chơi hoặc tái giá.
Nội loạn: Thông dâm với thân thuộc trong họ hoặc với thê thiếp của cha, ông.

Về hình phạt: “Đường luật sớ nghị” quy định hoàn thiện chế độ ngũ hình, gồm 5 loại hình phạt từ thấp lên cao:

Xuy: Đánh bằng roi, có 5 bậc: từ 10 đến 50 roi.
Trượng: Đánh bằng gậy: có 5 bậc: từ 60 đến 100 gậy.
Đồ: Đầy là nô (đầy tớ), lao động cực khổ, có 5 bậc từ một đến ba năm.
Lưu: Đày đi vùng xa: có 3 bậc: từ 1000 đến 3000 lý.
Tử: Giết, giết chết có 2 bậc: trảm (chém đầu) và giảo (thắt cổ).

Điều quan trọng nhất trong “Đường luật sớ nghị” là việc phân biệt đối xử ở xã hội và ở gia đình các quan lại, quý tộc được pháp luật dành cho đặc ân, còn thứ dân, nô lệ phải chịu những hình phạt nặng nề, dù là cùng một tội như nhau. Điều này chứng tỏ “Đường luật” bị ảnh hưởng nặng nền tư tưởng Khổng giáo. Sách Lễ ký chép: “Lễ không xuống tới thứ dân, hình không vươn tới đại phu”. Do đó các giai cấp không được bình đẳng trước pháp luật.

Đường luật cũng phân biệt tôn ti trật tự trong gia đình, từ đó nó chi phối cách xử sự của những người trong gia đình với nhau. Các thành viên trong gia đình được phân thứ hạng trên dưới theo thế hệ, tuổi tác và giới tính. Nếu xử sự không đúng thì sẽ phạm tội.

Đường luật đã quan tâm đến nghĩa vụ hành chính, quân sự hơn là những hợp đồng kế thừa tài sản, sở hữu đất đai. Tuy vậy trong quan hệ hợp đồng, kế thừa tài sản, hôn nhân đã được Đường luật quy định tỉ mỉ dưới dạng hình luật.
(Còn nữa)
CVL

TS Cao văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-19-83704