Pháo nổ tự chế - đến hẹn lại lo

Mới đây, một phụ huynh lo lắng ra mặt khi cô giáo chủ nhiệm lớp con mình thông báo vừa xảy ra tai nạn nổ pháo tự chế, ở trường học xã bên, học sinh chế pháo bị thương nặng.

Cô chủ nhiệm còn cảnh báo rằng, ở lớp của cô đã có trường hợp mang thuốc nổ đến lớp, chuẩn bị tự làm pháo. Học sinh này đã bị nhắc nhở nghiêm khắc, nhưng phụ huynh cần lưu ý để cảnh báo con em mình.

Thực tế, những ngày lễ Tết sắp đến, nhiều người lớn lại lo tai nạn pháo nổ tự chế xảy ra với con em họ. Như Tết Nguyên đán năm 2024, thống kê của các bệnh viện gửi Bộ Y tế cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết có 604 trường hợp vào viện để khám, cấp cứu; trong đó 315 trường hợp phải nhập viện điều trị. Đáng nói là, số ca vào bệnh viện khám và điều trị tăng 51% so với Tết Nguyên đán 2022.

Tết năm 2025 sắp đến, xu hướng tai nạn do pháo nổ tăng hay giảm? Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trách nhiệm của người lớn trong gia đình là yếu tố không thể không nói đến.

Như chúng ta đã biết, việc cấm buôn bán, chế tạo, sử dụng pháo nổ đã có từ năm 1994, đến nay vẫn không thay đổi. Trong đó, nhà nước đã quy định: trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính.

Như vậy, với học sinh làm pháo và bị tai nạn nói trên, cha mẹ em đó là người chịu trách nhiệm chính, bị chế tài theo quy định của pháp luật.
Điều đáng lo là, học sinh gặp nguy hiểm do tự chế và sử dụng pháo nổ chủ yếu là do hành vi vi phạm của người lớn. Bởi vì, thuốc pháo chủ yếu là do người lớn buôn bán, vận chuyển trái phép. Đây là vấn đề nhức nhối vì dù các cơ quan chức năng đã ráo riết ngăn chặn nhưng dường như vấn nạn vẫn xảy ra.

Về vấn nạn học sinh làm pháo nổ và nguy cơ tai nạn đau lòng xảy ra, cô giáo nói trên nhắn nhủ phụ huynh: “Tôi rất mong các bác quan tâm, nhắc nhở con em mình”. Đúng vậy, với lứa tuổi học sinh, các phụ huynh cần theo dõi con mình, nhắc nhở, thậm chí cảnh báo nghiêm khắc về việc không được mua thuốc nổ và tự chế pháo. Bởi điều đáng lo nhất là khi tại nạn xảy ra, trẻ tự chế pháo có thể bị tàn tật, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Lo nữa: hình như không chỉ con trẻ là chưa hiểu được mối nguy tiềm ẩn về chế và sử dụng pháo nổ mà cả người lớn còn rất chủ quan trước hiểm họa này.

Tết đến, nhiều nơi, tiếng pháo nổ lại đùng đoàng, theo kiểu “cả làng cùng vi phạm thì không ai bị phát hiện”. Trên thực tế, dù lực lượng chức năng đã cảnh báo, kiểm tra, nhưng nhiều nơi cùng nổ pháo nên khó xử lý vi phạm được ai. Việc nổ pháo những ngày Tết, đặc biệt là đêm giao thừa, có sự làm ngơ, thậm chí tiếp tay, của người lớn. Nói đáng lo là như vậy.

Như đã nói, các cơ quan chức năng đã ráo riết ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển thuốc nổ, pháo nổ lậu. Việc còn lại là ý thức tuân thủ pháp luật của người lớn trong mỗi gia đình. Khi cha mẹ làm gương, thường xuyên quan tâm đến con cái nghiêm túc thực hiện việc không mua và chế pháo nổ, vấn nạn này mới giảm thiểu.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phao-no-tu-che-den-hen-lai-lo.html