Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%.

Ảnh minh họa: ILO Việt Nam.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%.

Đây là một trong những nội dung chính trong Quyết định 782/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành.

Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt gọi là Chương trình) đề ra ba mục tiêu chính.

Mục tiêu thứ nhất là phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây gọi là LĐTE) và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE.

Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ LĐTE và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%.

100% trẻ em có nguy cơ, LĐTE và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.

Hơn 90% trẻ em có nguy cơ, LĐTE được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Mục tiêu thứ hai là truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE.

Theo đó, 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Mục tiêu thứ ba là đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 70% cán bộ, công chức cấp xã ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề LĐTE được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu LĐTE.

90% doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu LĐTE.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ LĐTE và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ LĐTE và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số LĐTE và người chưa thành niên.

Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Đồng thời, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giảng viên nguồn các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về việc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp LĐTE và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp LĐTE và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ LĐTE, trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa LĐTE. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng LĐTE. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chương trình, định kỳ khảo sát quốc gia về LĐTE.

* Theo Điều tra Quốc gia về LĐTE lần thứ hai của Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế, có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là LĐTE.

Con số này tương đương hơn một triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp LĐTE. Vì vậy, những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ LĐTE dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện.

HÀ DUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/phan-dau-giam-ty-le-lao-dong-tre-em-va-nguoi-chua-thanh-nien-tu-5-den-17-tuoi-xuong-4-5--648291/