Phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền

Sáng 14/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung hạn năm 2017 và dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung hạn năm 2017...

Ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA

Với 82,15% số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung hạn năm 2017. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỉ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỉ đồng.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 Ảnh: Văn Bình

Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 902.030 tỉ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Tỉ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020...

Nghị quyết giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của QH và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo chương trình làm việc, trong tuần QH sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ - đây là những phiên chất vấn đầu tiên của QH trong nhiệm kỳ Khóa XIV.

Theo đó, 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước QH gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cũng trong tuần làm việc, QH sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án Luật về Hội (nếu QH đồng ý tiến hành biểu quyết); biểu quyết thông qua Luật Đấu giá tài sản và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

QH sẽ thảo luận ở Hội trường về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); dự án Luật Du lịch (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chỉ đạo các địa phương quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng Nghị quyết của QH đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31.12.2016; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước...

Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư…

Nghị quyết cũng nêu rõ, UBTVQH, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của QH, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và HĐND, UBND các cấp.

Thủy điện phải đi trước một bước

Đa số ĐBQH nhất trí tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trong đó có yêu cầu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Nhiều ĐBQH đã nhất trí với việc chuyển từ cơ chế quản lý thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi để hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu. Nhưng vẫn còn một số đại biểu băn khoăn khi việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ tạo ra khó khăn cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ chủ thể các loại công trình, nguồn gốc các loại công trình thu tiền dịch vụ, làm cơ sở cho Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương quy định giá, lộ trình, các chính sách hỗ trợ, tránh việc thu phí tràn lan, bảo đảm tính khả thi của luật khi được thông qua.

Cùng đó, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng là cơ quan và cộng đồng dân cư. Bởi, mỗi công trình thủy lợi trước mắt là để phục vụ cộng đồng dân cư nơi có công trình thủy lợi; đồng thời cũng chính là đối tượng tham gia giám sát và đóng góp ý kiến để thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi địa phương theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 13 (tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư được tạo điều kiện thực hiện quyền giám sát thực hiện quy hoạch thủy lợi) và Điều 60 về quyền của cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động thủy lợi.

Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), với tầm quan trọng và tính đặc thù của công trình thủy lợi, nhất là các công trình đầu mối hoặc các công trình xây dựng như hồ chứa thường kéo dài từ 5 - 7 năm, thậm chí có công trình kéo dài đến 10 năm thì chiến lược phát triển thủy điện phải dài hơi hơn, phải đi trước một bước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian của chiến lược phải kéo dài ít nhất 20 năm, tầm nhìn 50 năm và được rà soát, điều chỉnh theo chu kỳ 10 năm hoặc khi có sự thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội hoặc khi có biến động lớn do thiên tai – ĐB Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Đ.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phan-bo-du-toan-ngan-sach-theo-tham-quyen-45316.html