Park Hang Seo: Từ HLV 'giải hạng ba' đến 'phù thủy xứ Hàn'

Chiến lược gia xứ sở kim chi không phải là lựa chọn đầu tiên cho chiếc ghế HLV đội tuyển quốc gia. Nhưng ông đã nỗ lực để chứng minh quyết định đến Việt Nam là điều tuyệt vời.

Sách Chúng ta là Việt Nam- Chúng ta là một đã ghi lại hành trình đầy cảm xúc của HLV Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam. Được sự đồng ý của Hanoi Books- đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt cuốn sách Zing.vn trích đăng một phần nội dung tác phẩm. Đoạn trích dưới đây ghi lại những cảm xúc của HLV Park Hang Seo khi đảm nhận cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Người đã kết nối huấn luyện viên Park với Việt Nam chính là quản lý Lee Dong Jun. Ông đã mua quyền phát sóng của K. League bằng tiền của mình và cung cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, ông cũng chính là người đã đưa Lương Xuân Trường gia nhập K. League. Đáng tiếc, dự án bán bản quyền phát sóng trực tiếp K. League và Lương Xuân Trường đều thua lỗ.

Mặc dù vậy, nhưng ông lại nhận được thứ khác: Sự tin tưởng. Sự tín nhiệm này đã tạo nên một mối nhân duyên, và bắt đầu cho một sự kiện đáng kinh ngạc. Vào thời điểm đó, nền bóng đá Việt Nam đang tụt hậu rất lớn trên đấu trường quốc tế nên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề nghị ông đề cử một huấn luyện viên người Hàn Quốc.

Sự chân thành và thiết tha của HLV "Giải hạng ba"

Sau khi nhận liên lạc từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Lee Dong Jun đã bắt đầu phân tích tài liệu ngay lập tức. Người lãnh đạo mà liên đoàn mong muốn là nhân vật nào đó có thể đưa đội tuyển lên tới hạng trung và hạng cao ở châu Á. Và ông liền nghĩ ngay tới một người thích hợp. Đó chính là huấn luyện viên Park Hang Seo.

Ông liền điện thoại ngay cho huấn luyện viên Park hỏi ông: “Nếu có cơ hội làm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia của một nước Đông Nam Á thì ông có muốn đi hay không?” và huấn luyện viên Park đồng ý ngay lập tức. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, ông Lee đã làm giấy tờ như “điên” và gửi e-mail cho phía Việt Nam.

Sách Chúng ta là Việt Nam- Chúng ta là một được viết bởi Lee Won Jae một phóng viên thể thao kỳ cựu của Hàn Quốc. Ảnh: Hanoi Books.

“Tôi đã giới thiệu ông Park một cách tích cực vì những lý do sau: đã có kinh nghiệm làm huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá Hàn Quốc, hai lần làm trợ lý ở World Cup và từng làm việc với huấn luyện viên nước ngoài trong khoảng thời gian rất dài nên vấn đề thích ứng văn hóa không có gì khó khăn".

Và người ta đã điện thoại ngay cho tôi. “Tất cả đều tuyệt vời, chỉ trừ một việc là tại sao một người nhiều thành tích như vậy lại chỉ đang làm huấn luyện viên cho đội Chang Won FC là đội đang chơi ở giải hạng Ba Hàn Quốc. Nếu các nhà báo hỏi như vậy thì phải trả lời như thế nào?”. “Đó là vì đội Chang Won chính là đội bóng quê hương của huấn luyện viên Park”.

Và ngay sau đó, công việc được tiến hành thuận buồm xuôi gió. Chỉ sau 12 ngày từ lúc nhận được cú điện thoại đầu tiên vào ngày 29/9/2017, những nhân vật quan trọng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã lên đường sang Hàn Quốc. Ông Lee đã chọn một nơi phỏng vấn để cuộc nói chuyện với huấn luyện viên Park, người từng là trợ lý số một của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002, diễn ra một cách tự nhiên nhất. Đó chính là sân vận động xây dựng cho World Cup: Seoul, nơi diễn ra trận đấu bán kết giữa Hàn Quốc và Đức.

Cuộc phỏng vấn diễn ra trong khu Sky Box bắt đầu từ 10h sáng đến 8h tối. Họ hỏi về triết lý bóng đá, sự quyết tâm, chiến thuật rồi màn hỏi đáp kết thúc lúc 4h chiều và việc thương lượng về chọn trợ lý huấn luyện, lương bổng, thời hạn ký kết... kéo dài đến 8h tối.

“Do CLB Chang Won FC phải thi đấu trong Đại hội Thể thao Toàn quốc vào tháng 10, cho nên tôi không thể nhận nhiệm vụ ngay được. Nếu vì điều đó mà tôi không thể làm việc với các bạn thì tôi cũng đành vậy”. Chính câu trả lời đầy tính trách nhiệm và uy tín của huấn luyện viên Park càng khiến cho ông nhận được đánh giá tích cực hơn.

Jang Won Jae: Thưa huấn luyện viên Park, ông có thể cho chúng tôi biết cụ thể hơn về tâm trạng của ông khi đồng ý nắm giữ vai trò là huấn luyện viên Đội tuyển Việt Nam? Ông đặt ra mục tiêu nào, sẽ đạt thứ hạng ra sao, trong các giải đấu nào?

Park Hang Seo: Vào thời điểm đó, và cho đến sau này, tôi vẫn rất thật lòng muốn dẫn dắt đội tuyển Bóng đá Việt Nam. Vì Hàn Quốc chỉ muốn những người lãnh đạo trẻ, dưới 40 tuổi, nên đồng nghiệp của tôi gần như đã về vườn hết. Tôi cũng đã không còn giữ vai trò huấn luyện viên “cấp 1”. Chính vì thế, Việt Nam có thể là nơi làm việc cuối cùng trong sự nghiệp bóng đá của tôi. Tôi nghĩ chắc chẳng còn chỗ nào khác nữa để đi. Và điểm mấu chốt đó là: dẫn dắt đội tuyển quốc gia ở bất kỳ nước nào luôn là mong muốn của tôi.

Jang Won Jae: Ý ông là, huấn luyện viên của một đội chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia có nhiều sự khác biệt sao?

Park Hang Seo: Có rất nhiều sự khác biệt, bởi tính chất công việc ở mỗi đội bóng rất khác nhau. Nó không phải là sự khác biệt của việc phải làm việc với đội trong suốt cả năm hay chỉ khi nào có thi đấu mới tập trung lại để lập nhóm trong thời gian ngắn. Mà bởi trên hết, việc làm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia rõ ràng là một vị trí vô cùng quan trọng và vô cùng thiêng liêng. Bởi vị huấn luyện viên đó sẽ phải đền đáp sự mong mỏi của cả nước thông qua bóng đá. Bởi vì, thành bại của một trận đấu không chỉ liên quan tới yếu tố kỹ thuật mà còn liên quan tới danh dự của cả một quốc gia, là chí khí của cả dân tộc.

Muốn thành công, đừng quan tâm tới truyền thông

Từ tháng 6 tới tháng 10 năm 2002, chỉ trong 4 tháng, huấn luyện viên Park đã nếm trải đủ cung bậc cảm xúc giữa địa ngục và thiên đường. Ngày 31 tháng 5, World Cup Hàn – Nhật chính thức bắt đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, Hàn Quốc đã giành chiến thắng liên tiếp, vượt qua nhiều đối thủ như: Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Tây Ban Nha. Và lần đầu tiên, một đội bóng ở châu Á tiến vào bán kết chứ không phải một quốc gia đến từ châu Âu hay Nam Mỹ.

Huấn luyện viên Park Hang Seo thừa nhận mình là người rất nóng nảy.

Khi đó, ông là trợ lý huấn luyện số 1 của đội tuyển Hàn Quốc - hay chính là một trong số những “anh hùng quốc dân” của Hàn Quốc. Mọi người đều biết mặt ông, họ không lấy tiền ăn và cũng không lấy tiền đi taxi của ông. Bản thân ông cũng thấy mình lơ lửng trên mây, trên “thiên đường”.

Còn “địa ngục” ở đây chính là khi đội tuyển Hàn Quốc chỉ giành hạng Ba trong kỳ Asian Games được tổ chức tại Busan tháng 10 năm đó. Đội Hàn Quốc đã thua trước Iran và không vào được chung kết. Người anh hùng quốc dân trong phút chốc trở thành người làm mất danh dự của cầu thủ và đất nước Hàn Quốc. Người ta đã phê phán ông cực kỳ gay gắt. Sau đó, ông đã nhận vị trí huấn luyện viên cho nhiều đội bóng chuyên nghiệp nhưng không còn nhân duyên với đội quốc gia nữa.

Jang Won Jae: Những vấn đề nào đã phát sinh khi ông đảm nhận vai trò huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia?

Park Hang Seo: Ngay sau World Cup 2002, tôi nhận nhiệm vụ là huấn luyện viên đội tuyển Hàn Quốc. Đây là khoảng thời gian có nhiều điểm đáng tiếc với tôi. Tất cả mọi mặt đều thất bại. Tôi đã quyết tâm, nếu được trở thành huấn luyện viên đội tuyển quốc gia của bất kỳ nước nào một lần nữa, tôi chắc chắn sẽ không lặp lại những sai lầm trước kia.

Thời gian dần trôi, tôi đã không có cơ hội nào cả. Cho nên khi nhận được lời đề nghị từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tôi cảm thấy như đã đạt được điều mình mong ước bấy lâu. Tôi sẽ không làm những người đã tin tưởng tôi phải thất vọng.

Jang Won Jae: Kinh nghiệm cầm quân ở Hàn Quốc giúp ích cho ông như thế nào? Khi còn là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia trên chính quê hương mình, ông đã phạm phải những sai lầm nào? Ông sẽ khắc phục chúng ra sao khi làm việc tại Việt Nam?

Park Hang Seo: Khi nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy tất cả đều do những quyết sách chưa thấu đáo trong quá trình huấn luyện gây ra. Nhưng điều làm tôi vẫn day dứt nhất sau World Cup 2002 là nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội Olympic Hàn Quốc trong giải Asian Games mà không giành được huy chương vàng.

Là đội đã vào tới bán kết của World Cup mà chỉ đạt huy chương đồng thì rõ ràng đó là một thất bại không thể phủ nhận. Nói mọi thứ vẫn còn đang lộn xộn chỉ là biện minh thôi. Giờ nhìn lại mới thấy, nếu lúc đó tôi vừa đối xử một cách khôn ngoan, sáng suốt với những tình huống và những người xung quanh thì mọi chuyện có thể khác. Và nếu tôi nhẫn nhịn một chút chắc sẽ là tốt hơn rồi.

Một huấn luyện viên nên quan tâm nhiều đến chiến thuật và tìm hiểu kỹ đối phương, đừng quá quan tâm tới truyền thông.

Jang Won Jae: Cụ thể đó là sự việc gì?

Park Hang Seo: Tôi sẽ không nói cụ thể về vấn đề này. Điều đó không phải phép với những người xung quanh, và người thất bại thì không cần nói nhiều. Nhưng tôi có thể nói như thế này, lúc đó tôi còn trẻ, những người xung quanh đều khuyên tôi phải thế này, thế kia nhưng tôi nghĩ điều đó không đúng nên đã không làm theo lời họ. Tôi cũng không điều hành đội với 100% sự tự tin. Bởi vì lúc đó tôi cảm thấy không tự tin khi phải chịu ảnh hưởng của dư luận. Tôi vừa không nghe lời khuyên từ những người có liên quan, vừa không tự tin với quyết định của mình, cho nên thất bại là đương nhiên.

Jang Won Jae: Nếu như vậy, ở Việt Nam ông đang làm một cách hoàn toàn tự tin sao?

Park Hang Seo: Do tôi không hiểu ngôn ngữ của họ hoàn toàn nên tôi không bị áp lực. Khi ở Hàn Quốc, tôi tìm đọc hết thông tin ở SNS và các bài báo. Đã nhủ lòng là không được đọc, dù chỉ là một phần rất nhỏ trong số chúng, nhưng không hiểu sao mắt và tay mình cứ phải để ý tới.

Nhưng ở Việt Nam thì không như vậy. Tất nhiên định hướng ngôn luận hay các bài báo ở quy mô lớn thì tôi nghe qua Mr Lee và thông dịch. Điều quan trọng là ở Việt Nam tôi không bị rơi vào trạng thái vui buồn lẫn lộn. Tôi không hề bị nhiều áp lực, khiến cảm xúc lên xuống đột ngột. Chính vì thế tôi hoàn toàn tập trung vào bóng đá.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng là một bức tường bảo vệ vững chắc để tôi toàn tâm toàn ý trong công việc. Tôi không bị ảnh hưởng từ bên trong và bên ngoài. Các quyết định của tôi và các cộng sự cũng được thông qua sau nhiều cuộc họp một cách kỹ lưỡng nên mọi thứ trở nên tuyệt vời hơn.

Trích sách Chúng ta là Việt Nam- Chúng ta là một

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/park-hang-seo-tu-hlv-giai-hang-ba-den-phu-thuy-xu-han-post1024214.html