Ông Trump thăm Israel: Sức mạnh Do thái trong chính trường Mỹ?

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch tới Israel vài ngày trước khi khai mạc đại hội đảng Cộng hòa.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch tới Israel

Ngày 2/6, Truyền thông khu vực cho biết ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch tới Israel vài ngày trước khi khai mạc đại hội đảng Cộng hòa ngày 18/7.

Dù chưa xác định ngày cụ thể cho chuyến thăm tuy nhiên ông Trump dự kiến sẽ đưa ra những tuyên bố ủng hộ nhà nước Do Thái.

Ông Donald Trump đang có kế hoạch tới Israel vài ngày trước khi khai mạc đại hội đảng Cộng hòa.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ đảm bảo việc ngừng thỏa thuận hợp tác quân sự bí mật giữa Hoa Kỳ và Iran nếu được bầu làm tổng thống, trong khi cảnh báo Tehran không thúc đẩy việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Một trong những mục tiêu quan trọng của ông Trump là chứng minh tính khả thi của việc xây dựng bức tường an ninh giữa Mỹ và Mexico nhằm hạn chế người nhập cư.

Ông hy vọng sẽ lấy ví dụ về hàng rào an ninh dài 240 km mà Israel dựng lên dọc biên giới với Ai Cập như một trong những khẩu hiệu chính trong chiến dịch tranh cử để xây dựng bức tường với Mexico. Ứng cử viên này dự kiến sẽ thăm hàng rào an ninh phía Nam và phía Bắc dọc biên giới với Syria và Liban.

Giới phân tích cho rằng, những chuyến thăm này sẽ cho ông Trump cơ hội lên tiếng về sự ủng hộ của ông đối với Israel cũng như cho phép ông chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Hillary Clinton về các cuộc chiến ở Syria và Iraq chống phiến quân IS.

Sức mạnh Do thái trong chính trường Mỹ

Thực tế dù cộng đồng Do Thái hiện nay chỉ chiếm 2,5% dân Mỹ nhưng hiện chiếm 7% số hạ nghị sĩ và 13% số thượng nghị sĩ. Khi lên cầm quyền Tổng thống Barack Obama cũng chọn một người Do Thái - ông Rahm Emanuel - vào một chức vụ rất quan trọng là chánh Văn phòng Nhà Trắng.

Ảnh hưởng to lớn của cộng đồng người Do Thái đối với đời sống chính trị Mỹ thể hiện trên nhiều mặt.

Thứ nhất là việc tham gia bầu cử tổng thống và hai viện quốc hội. Nhìn chung, chỉ có khoảng một nửa dân Mỹ đi bầu, trong khi đó tỉ lệ người Do Thái đi bỏ phiếu tới 90%, cao nhất trong các cộng đồng ở Mỹ. Hơn nữa họ lại sống tập trung tại các bang có tiếng nói quyết định kết quả bầu cử như New York, California, Pennsylvania...

Thứ hai là quyên góp tiền cho ứng viên tranh cử.

Người Do Thái tuy nổi tiếng căn cơ tiết kiệm nhưng khi quyên góp vì mục đích chính trị thì họ rất hào phóng. 4 trong 5 người quyên góp nhiều nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 là người Do Thái. Các ứng viên chức tổng thống, thống đốc bang hoặc nghị sĩ dựa vào tiền đóng góp của ai thì phải biết lấy lòng người ấy. Cho nên khi đã trúng cử, họ đều bênh vực lợi ích người Do Thái và Israel.

Ngoài ra, người Do Thái cũng lập ra rất nhiều quỹ quyên góp bầu cử, gọi là “Ủy ban Hành động chính trị”.

Hiện nước Mỹ có khoảng 80 ủy ban như vậy, trong khi người Ả Rập ở Mỹ chỉ có 10 tổ chức tương tự. Các ủy ban ấy đã quyên góp được hàng tỉ USD ủng hộ Israel.

Trong một khảo sát gần đây cho thấy cả người Do Thái lẫn người Ả Rập đều thích bà Hillary Clinton bên đảng Dân chủ lên lãnh đạo nước Mỹ. Cuộc khảo sát khác do hãng nghiên cứu TNS phát trên kênh Channel 1 cho thấy 43% người Israel muốn bà Clinton làm tổng thống Mỹ, còn 34% ủng hộ Donald Trump.

Vì vậy tìm cách tháo gỡ những bất đồng, mâu thuẫn trước đó với người Israel được xem là một tính toán khôn ngoan của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hồng Sơn (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-trump-tham-israel-suc-manh-do-thai-trong-chinh-truong-my-3310165/