Ông Sơn 'thương binh tàn nhưng không phế'

PTĐT - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ 'Thương binh tàn nhưng không phế', thời gian qua, nhiều thương, bệnh binh ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba

Hiện ông Sơn nuôi hơn 100 đàn ong, thu khoảng 100 triệu đồng/ một vụ...

PTĐT - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, thời gian qua, nhiều thương, bệnh binh ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, trong đó ông Trần Thạch Sơn, thương binh 2/4 ở khu 10, xã Khải Xuân, là tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1984, ông Sơn xuất ngũ trở về quê hương với tỉ lệ thương tật 61%, mặc dù chân trái đi lại khó khăn nhưng ông vẫn tích cực lao động, đầu tư chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 1990, nhận thấy tiềm năng và lợi thế về rừng, vườn rừng đa dạng ở Khải Xuân, ông Sơn quyết định tìm tòi, học hỏi nghề nuôi ong lấy mật.

Năm đầu tiên, ông Sơn nuôi 10 đàn, nhưng do kinh nghiệm chưa có, ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua đài, báo cũng như tham quan nhiều hộ nuôi ong trong tỉnh, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đàn ong dần tăng lên, lúc cao nhất là hơn 200 đàn. Đến nay, do sức khỏe hạn chế nên ông chỉ nuôi hơn 100 đàn. Diện tích vườn, đồi nhà không đủ, ông còn đem đàn đi gửi ở vườn, đồi của người quen. Ông Sơn chia sẻ: "Dù trong thời chiến hay thời bình, tôi luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, dù công việc có khó khăn, vất vả đến đâu, chỉ cần nỗ lực, kiên trì, cố gắng không ngừng chắc chắn sẽ gặt hái được thành công."

...và thường xuyên hướng dẫn bà con kĩ thuật nuôi ong lấy mật.

Mỗi năm, đàn ong đem lại cho gia đình ông khoảng 200 lít mật tự nhiên, với giá 100 nghìn đồng/lít. Trừ chi phí, ông thu về 1 triệu đồng/ đàn. Theo ông Sơn, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó, dễ là bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chỉ cần bỏ ra chi phí 250 nghìn cho mỗi đàn ong để mua đường và phấn để nuôi dưỡng đàn ong trong những tháng không khai thác, hằng ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2-3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng khó ở chỗ trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như: di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn... phát hiện kịp thời các bệnh của ong để điều trị sớm, như vậy ong mới gắn bó với gia chủ và không bỏ đi.

Ông Tạ Vương Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Khải Xuân cho biết: "Không chỉ có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi ong, ông Sơn còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ gia đình trong xã về kĩ thuật chăm sóc để đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, nghề nuôi ong lấy mật đang tạo được sức hút với nhiều người dân, giúp họ từng bước thoát nghèo, vươn lên lầm giùa trên chính quê hương của mình.”

Từ những nỗ lực của mình, ông luôn là tấm gương sáng cho bà con trong xã học hỏi, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần phát triển kinh tế quê hương.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/net-dep-doi-thuong/202007/ong-son-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-172017