Nối vòng tay lớn

Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la, anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.

Cờ nối gió, đêm vui nối ngày

Dòng máu nối con tim đồng loại

Dựng tình người trong ngày mới

Thành phố nối thôn xa vời vợi

Người chết nối linh thiêng vào đời

Và nụ cười nối trên môi.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay

Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi

Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo

Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh.

Trịnh Công Sơn

Lời bình

Thông điệp hòa bình, thống nhất non sông

Trịnh Công Sơn được mệnh danh là “phù thủy của ngôn ngữ”. Nhạc sĩ Văn Cao gọi ông là “người ca thơ”. Vẻ đẹp ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn thực sự đã trở thành đối tượng của nhiều đề tài, chuyên luận nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhạc phẩm Nối vòng tay lớn, ngoài giai điệu sôi nổi, vui tươi và phảng phất chất tráng ca, phần ca từ - nếu đứng độc lập - cũng là một thi phẩm đẹp. Khát vọng non sông nối liền một dải, Nam Bắc về chung một nhà; tình người bác ái, nhân loại hòa bình… là những thông điệp nhân văn mà nhạc sĩ họ Trịnh gửi đến chúng ta. Ra đời trong những năm tháng điêu linh của Tổ quốc, lúc phong trào học sinh, sinh viên miền Nam xuống đường đấu tranh đòi thống nhất núi sông, Nối vòng tay lớn trở thành tiếng gọi thiêng liêng, một ước nguyện mà cả dân tộc Việt Nam khát khao, chờ đợi.

Xét về phương diện cấu tứ nội dung trong ca từ nhạc phẩm Nối vòng tay lớn, Trịnh Công Sơn đã rất tài hoa khi thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất qua rất nhiều hình tượng giàu chất thơ và đậm tính biểu cảm. Các hình tượng ấy vừa xuất phát từ hiện thực đời sống, đồng thời thể hiện chiều sâu triết lí: Rừng núi nối biển xa, dòng máu nối con tim, thành phố nối thôn xa, người chết nối linh thiêng vào đời… Ðiệp từ “nối” được tác giả sử dụng mười ba lần tạo nên âm hưởng dồn dập, luyến láy trong giọng điệu khi đọc và giai điệu hùng hồn, tươi vui khi hát lên. Qua đó, tác giả bày tỏ khát vọng thiêng liêng thường trực và da diết về khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc và sự hòa kết vĩnh cửu giữa con người với nhau trong cuộc đời.

Nếu xem cấu trúc ca từ nhạc phẩm Nối vòng tay lớn như một bài thơ độc lập, ta sẽ nhận ra có ba khổ cân đối, hài hòa trong một chỉnh thể nghệ thuật: khổ I gồm 5 dòng, khổ II có 6 dòng và khổ III quay lại 5 dòng. Nội dung tất cả các khổ bổ sung cho nhau, xoắn xuýt để tạo thành ý tưởng và thông điệp chính mà tác giả gửi gắm: Mơ ước hòa bình, kết nối yêu thương và khát vọng thống nhất hai miền Nam - Bắc trong vòng tay chung nước Việt. Khổ I mở ra một không gian rộng lớn, kỳ vĩ bằng giọng điệu hân hoan như những bước chân dặt dìu nhau tìm về miền hội ngộ. Thông qua các từ ngữ chỉ không gian: “rừng núi”, “biển xa”, “sơn hà”, “bao la”, “trời rộng”…, từ đó tác giả muốn khẳng định rằng, ngay cả thiên nhiên vũ trụ cũng không muốn đứng độc lập, riêng lẻ mà “dang tay nối liền” để “lớn mãi”. Rừng nối biển, anh em về gặp nhau để cuối cùng tạo thành một vòng tròn Việt Nam lớn lao, trọn vẹn.

Trong khổ thứ hai, xét cả phần giai điệu âm nhạc và giọng điệu khi đọc ca từ, chúng ta đều nhận thấy rằng có sự thay đổi rất đáng chú ý: Nhanh và gấp, háo hức và sướng vui, hân hoan và náo nức như có muôn triệu bàn chân cùng đồng hành tiến về phía trước. Tất cả cứ trào sôi mãnh liệt, vừa hồ hởi, thiết tha vừa chờ mong, rạo rực để rồi cuối cùng vỡ òa trong niềm ngân nga sướng vui tột đỉnh “và nụ cười nối trên môi”. Quả là niềm vui nối tiếp niềm vui trên môi người tỏa lan không dứt. Ðặc biệt, các dòng thơ 6 tiếng, 7 tiếng gân guốc, rắn rỏi như từng nhịp bước tìm về để yêu thương, đoàn kết, dựng xây. Tôi nghĩ, vượt qua cả hiện thực của đất nước, Trịnh Công Sơn còn đẩy lên một tầm triết lí bao quát hơn, đó là sự kết nối giữa những điều thiêng liêng, vô hình với những gì hiện hữu nơi trần thế.

Từ “bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam” trong khổ I đến “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” ở khổ III là mạch cảm xúc hoàn toàn nhất quán về mặt nội dung tư tưởng. Dù trải qua muôn vàn khó khăn, những bàn chân vẫn “vượt hết núi đồi”, “vượt thác cheo leo” để “từ quê nghèo lên phố lớn”, nối liền một vòng nhân sinh vô tận.

Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn là một tuyệt phẩm âm nhạc, một bài thơ tuyệt hay (nếu tách riêng phần lời). Ðặt vào hoàn cảnh ra đời trong những ngày khói lửa chiến chinh, khi hàng vạn học sinh, thanh niên xuống đường tranh đấu ở các đô thị miền Nam, tác phẩm đã truyền thông điệp hòa bình, khát vọng hòa hợp dân tộc, tạo động lực để nhân dân ta vững bước tiến lên giành lại giang sơn, xây dựng một Việt Nam vững bền muôn thuở. Vì vậy, khi Trịnh Công Sơn bước lên Ðài Phát thanh Sài Gòn để hát nhạc phẩm Nối vòng tay lớn vào trưa 30/4/1975, nhân dân hai miền đã nức lòng trong niềm sung sướng, “vui sao nước mắt lại trào” trong giờ phút “toàn thắng về ta”.

Lê Thành Văn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/186618/noi-vong-tay-lon